"Số bệnh nhân thận mạn ngày càng tăng là gánh nặng lớn về bệnh tật, kinh tế của gia đình người bệnh cũng như của cả xã hội", GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, nói tại hội thảo mới đây về điều trị bệnh thận mạn ở TP HCM.
Bệnh thận mạn thường gây ra chủ yếu bởi đái tháo đường và tăng huyết áp. Bệnh tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn có xu hướng tăng, đứng thứ 8 trên 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Các thống kê gần đây cho thấy nước ta có hơn 8,7 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% số người trưởng thành. Số ca mắc mới mỗi năm lên đến 8.000 và số bệnh nhân cần điều trị lọc máu do tiến triển của bệnh thận mạn, lên đến khoảng 800.000 người. Trong khi thống kê từ Hội lọc máu Việt Nam năm 2020, cả nước có trên 5.000 máy lọc thận. Con số này nghĩa là số lượng máy chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu.
Thực tế này dẫn đến tình trạng quá tải về các biện pháp lọc thận trong bệnh viện. Gần đây, nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở TP HCM phải chật vật tìm chỗ chạy thận, bởi lượng bệnh ngày càng tăng, các bệnh viện không thể đáp ứng toàn bộ. Tình trạng xảy ra tương tự tại các bệnh viện khu vực phía Bắc. Bệnh nhân bị gián đoạn chạy thận sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nhanh chóng diễn tiến nặng hơn, ảnh hưởng tính mạng.
Chi phí cho điều trị bệnh thận mạn và lọc máu đang chiếm 2-8% ngân sách y tế mỗi năm. Trong đó, chi phí y tế cho lọc máu cao gấp 3 lần so với chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm. Dù được điều trị nhưng bệnh nhân thận mạn thường đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng, bao gồm biến cố tim mạch, suy tim, tử vong hoặc tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối, phải chạy thận hoặc ghép thận.