Anh Bắc quyết định cùng vợ về quê lập nghiệp khi được ăn miếng thịt gà đặc sản. Ảnh: Tâm AnTrong một lần về Cùa để nhờ bố mẹ chăm con cho vợ chồng đi làm ăn xa, anh Bắc được bố vợ mời ăn miếng thịt gà đặc sản nơi đây. Quá ấn tượng với hương vị thơm ngon, anh quyết định về Cùa lập nghiệp. Cũng may vợ anh đồng ý, nên cả hai khăn gói về quê.
“Tôi đã thưởng thức món thịt gà ở rất nhiều nơi, nhưng không đâu ngon bằng gà Cùa. Ăn một lần nhớ mãi không quên”. Anh nói và chia sẻ, miếng thịt gà luộc chín rất thơm, có da vàng ươm lại giòn, ăn ngọt, độ dai vừa phải, béo nhưng không ngấy như các loại gà khác.
Ngắm khu trang trại nuôi hàng nghìn con gà, anh Bắc nhớ lại thời gian đầu về quê, khu đất này vẫn để hoang. Vợ chồng anh được xã cho mượn đất để làm trang trại chăn nuôi.
Lúc bấy giờ vốn liếng của vợ chồng anh dồn hết vào nuôi vịt. Còn gà Cùa chỉ có hơn 100 con, anh nuôi để ăn là chính vì chưa có kinh nghiệm. Kết quả, giá vịt bấp bênh, thường xuyên thua lỗ nên cuộc sống của vợ chồng anh tương đối vất vả. Trong khi đó, đàn gà cứ ăn và lớn khỏe mạnh, giá bán lại đắt đỏ.
“Đến giờ ngẫm lại, chắc tôi có duyên với con gà Cùa”, anh cười nói.
Lứa gà đầu tiên nuôi gần 5 tháng, gia đình đã có gà thịt ăn và đem bán với giá 120.000 đồng/kg. Cứ thế, anh tăng dần quy mô đàn, từ 100 con lên 300 rồi 1.000 con.
Đến năm 2017, sau 5 năm về Cùa lập nghiệp, vợ chồng anh sở hữu trang trại gà đặc sản quy mô vài ngàn con. Gà được nuôi gối đầu nên mỗi tháng đều đặn xuất bán khoảng gần 2.000 con cho các nhà hàng, quán ăn, khách sạn ở Quảng Trị và khu vực miền Trung.
“Hồi đầu tôi cũng muốn nuôi quy mô lớn, nhưng có tiền đâu. Gia đình khi mới về đây thuộc diện hộ nghèo của xã, tiền có đến đâu tăng đàn đến đó thôi”, anh tâm sự. Cũng may, từ đó đến giờ, lứa gà nào vợ chồng anh nuôi cũng có lãi, không lỗ bao giờ.
Thu tiền tỷ từ gà
Anh cho biết, gà Cùa được nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên, đặc điểm “ngày ăn mối, tối ngủ cây”. Nuôi 5 - 5,5 tháng gà sẽ được xuất bán. Con mái bắt đầu bói trứng, lông bóng mượt, trọng lượng 1,2 - 1,5kg. Con trống mào đỏ, đã nhú cựa, lông mượt, chân thon dài màu vàng, trọng lượng từ 1,4 - 1,8kg. Gà có đủ những đặc điểm này cũng là lúc thịt cho hương vị thơm ngon nhất.
“Mùa hè, gà ngủ trên cây trong vườn. Thế nên, cứ 4h sáng hằng ngày vợ chồng tôi phải dậy bắt gà, đưa lên ô tô đem đi bán”, anh nói.
Vài năm nay, gia đình anh tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi gà Cùa Cam Lộ theo phương thức an toàn sinh học. Anh Bắc làm tổ trưởng, phụ trách vấn đề kỹ thuật chăn nuôi, vấn đề đầu vào sản xuất và đầu ra sản phẩm để đảm bảo con gà xuất chuồng có chất lượng tốt, đồng đều.
Riêng đàn gà của nhà được ăn thức ăn thảo dược vi sinh do anh trộn từ ngô, lúa, cây dược liệu… Ngoài ra, gà còn được tăng sức đề kháng bằng dung dịch kháng sinh tổng hợp lên men được anh ủ từ gừng, tỏi và một số thành phần khác. Ăn và uống những thứ này, gà có sức đề kháng cao, không bị dịch bệnh, thịt do đó cũng thơm ngon và siêu sạch.
“Nhiều khách từ Hà Nội, TPHCM tìm về tận đây để thưởng thức miếng thịt gà Cùa đặc sản chấm với muối tiêu chanh”, anh nói. Đến nay, gà Cùa đã được chứng nhận sản phẩm gà thịt VietGAP, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao và đang trong giai đoạn được đề xuất nâng hạng lên sản phẩm 4 sao của tỉnh Quảng Trị.
Anh Bắc khoe, gà Cùa đắt hàng quanh năm. Ngày thường giá gà khoảng 120.000 đồng/kg, thời điểm lễ Tết có thể vọt lên 140.000 đồng/kg. Tính trung bình mỗi con gà xuất bán thu về 170.000 đồng. Một năm, anh bán 2 vạn con gà, doanh thu đạt khoảng 3,4 tỷ đồng.
“Chưa giàu đâu, song nhờ con gà, gia đình tôi đã có cuộc sống sung túc rồi”, anh chia sẻ. Vợ chồng anh Bắc dự tính tới đây sẽ đầu tư thêm vài trăm triệu để xây thêm hệ thống chuồng trại, mở rộng quy mô đàn gà Cùa lên 25.000 con mỗi năm, bởi hiện nay cung vẫn không đủ cầu.
3 con gái lấy chồng xa, mẹ nuôi đàn gà chỉ mong con cháu về nghỉ lễ
Mới sớm, mẹ đã gọi điện hỏi xem dịp lễ này con có về quê ngoại. Chưa kịp trả lời đã thấy mẹ sụt sùi, giọng nghẹn lại, con cũng cứ thế nước mắt tuôn rơi.">Được bố vợ mời ăn miếng thịt gà, chàng rể Quảng Trị dựng cơ ngơi tiền tỷ