Các hãng đua nhau tung ra những mẫu smartphone đầu bảng để làm thương hiệu, gây chú ý từ phía người dùng, nhưng sự tăng trưởng thực sự lại thuộc về phân khúc thiết bị tầm trung và các thị trường mới nổi.Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu IDC, Apple đã bán được tổng cộng 48 triệu chiếc iPhone trong ba tháng gần nhất, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Một sự nổi lên đáng chú ý nữa là từ thương hiệu Trung Quốc Huawei, khi hãng này cũng xuất xưởng được 26,5 triệu smartphone, dù chủ yếu là để phục vụ thị trường nội địa.
Với thành tích này, Apple và Huawei lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ 3 trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất thế giới trong quý III, xếp sau Quán quân Samsung với 84,5 triệu smartphone bán ra. Hãng di động Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn hơn, chỉ 6%, nhưng cũng đã ghi nhận được sự cải thiện trong doanh số và lợi nhuận so với các quý trước đó.
Hai hãng còn lại hoàn tất Top 5 đều là thương hiệu Trung Quốc: Lenovo và Xiaomi.
Cùng với nhau, các hãng smartphone đã xuất xưởng được 355,2 triệu chiếc smartphone trong quý 3, tăng 6,8% so với năm ngoái. Đây là quý kinh doanh "tốt thứ hai trong lịch sử ngành smartphone, xét từ góc độ doanh số", IDC nhấn mạnh. Đây thực sự là một tín hiệu vui dành cho các hãng điện thoại, bởi nhiều thị trường như Bắc Mỹ và châu Âu đã tỏ rõ sự bão hòa, trong khi nền kinh tế Trung Quốc cũng đang chững lại. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về việc smartphone đang mất dần sức hút, khi mà các thế hệ smartphone mới ra mắt hầu hết chỉ là bản nâng cấp chứ không có được những thay đổi chấn động để tạo đột biến về bán hàng.
Nhưng thật may mắn, trong khi hạng mục smartphone cao cấp thiếu vắng sự sáng tạo và tươi mới, thì người dùng lại tỏ ra hào hứng với smartphone tầm trung. "Trong Q3, các hãng tập trung rất nhiều vào sản phẩm đầu bảng, hy vọng nổi bật lên so với đối thủ nhờ kiểu dáng thiết kế và tính năng cao cấp. Có thể kể ra Samsung với Galaxy Note 5 và Galaxy S6 Edge+, Sony với Xperia Z5 Premium, Z5 và Z5 Compact ra mắt tại IFA 2015, Apple trình làng bộ đôi iPhone 6s và 6s Plus...
"Nhưng dù hạng mục này rất bóng bảy và đình đám, số lượng tiêu thụ chính và tăng trưởng lại chủ yếu rơi vào phân khúc trung cấp cho đến bình dân, nhất là ở các nước mới nổi", nhà phân tích Anthony Scarsella của IDC cho biết.
Ngoài bản thân smartphone thì IDC cũng nhận thấy những thay đổi đáng chú ý trong cách người dùng mua sắm điện thoại tại một số thị trường, thay vì ký hợp đồng 2 năm với nhà mạng theo kiểu truyền thống, giờ họ chuyển sang mua bản không khóa mạng hoặc các chương trình trả góp máy, đổi máy cũ lấy máy mới.... mà hãng sản xuất áp dụng. Sự thay đổi này được cho là sẽ tác động rất lớn đến tình hình kinh doanh điện thoại trong các quý tiếp theo, vì tần suất nâng cấp điện thoại sẽ khác trước.
T.Cầm
Tin liên quan
10 smartphone Android siêu tốc nhất" width="175" height="115" alt="Smartphone tầm trung bán chạy nhất trong Q3/2015" />