|
|
Tôi đã từng đọc nhiều tác phẩm của Somerset Maugham: tất cả đều là bản dịch của Nguyễn Hiến Lê - từ tiểu thuyết giàu chất tự truyện như Kiếp người, tới các tập truyện ngắn mô tả đời sống thực dân trên quần đảo Thái Bình Dương nhưMưahay Những quần đảo thần tiên. Nhưng phải tới khi cùng lúc ba đơn vị xuất bản đều ra mắt Mặt Trăng và Đồng Sáu xu, tôi mới ép mình đọc tác phẩm trứ danh này.
Somerset Maugham (1874-1965) đã nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975. Để bạn đọc nhanh nắm bắt, ta chỉ cần biết rằng ông là nhà văn được ưa chuộng nhất trong thời đại mình, và là tác giả được trả tiền nhuận bút cao nhất trong thập niên 1930.
Từng theo học ngành y rồi bỏ ngang sang nghiệp con chữ, ông là một trong những nhà văn sáng tác nhiều, viết đều đều và liên tiếp trong 60 năm: lưu lại một sự nghiệp gồm 25 vở kịch, 30 truyện dài, 120 truyện ngắn và vài tập cảo luận. Không được giới phê bình thời đó đánh giá cao, cho là truyện của ông chỉ toàn kể và kể, không có lập trường tư tưởng, nhưng ông có được điều mọi nhà văn khao khát. Này nhé, danh vọng: tại biệt thư La Mauresque ở Cap-Ferrat ông tiếp những bậc chính khách như Churchill, vua Thuỵ Điển, vua Thái Lan… Giàu có thì ít có nhà văn nào dám so bì: doanh số bán sách cao, các tác phẩm kịch thành công và chuỗi bản thảo chuyển thể thành phim giúp cho khối tài sản của ông lên tới 10 triệu USD vào năm 1960. Muốn gì được nấy: đi du lịch khắp nơi trên thế giới và thích chơi tranh thì tha hồ mua tranh, ông mua một bức của Picasso mà về sau bán đấu giá được tới 1,2 triệu quan Pháp thời đó. (Bạn nào mến mộ thì tìm hiểu thêm về Maugham trong tập tiểu sử Đời nghệ sĩdo Nguyễn Hiến Lê viết).
|
Ba phiên bản tiếng Việt sách The Moon and Sixpence. |
Năm 1916, Maugham du hành tới Thái Bình Dương để tìm tài liệu viết The Moon and Sixpence, dựa trên cuộc đời danh họa Paul Gauguin. Đó là câu chuyện kể - giọng còn mai mỉa nữa - về Charles Strickland (thực chất chính là Gauguin) và số phận con người bị thôi thúc đến mức ám ảnh bởi nhu cầu sáng tạo - bất kể cái giá khắc nghiệt phải trả cho chính mình và người xung quanh. Đang là nhà môi giới chứng khoán trung lưu có vợ đẹp con khôn, sự nghiệp vững vàng cùng cuộc đời được trọng vọng ngưỡng mộ, vậy mà người người đàn ông 47 tuổi, ít nói và tẻ ngắt này lại đột ngột từ bỏ.
"Tôi đã bảo với anh là TÔI PHẢI VẼ. Tôi không thể cưỡng lại chuyện ấy. Khi một người rơi xuống nước, không quan trọng việc anh ta bơi thế nào, giỏi hay dở, mà là phải bơi, bằng không sẽ chết chìm.” trích đoạn sách, Nhà xuất bản Trẻ, trang 85.
Tại một xưởng vẽ tồi tàn ở Paris, Strickland dồn toàn bộ sức lực và thời gian của mình vào vẽ tranh, tuy nhiên ông luôn từ chối bán buôn hay thậm chí là trưng bày tác phẩm của mình dù luôn phải sống trong cảnh cơ hàn thiếu thốn. Nhưng không ai hiểu được giá trị tác phẩm của ông, hệt như trong đoạn hội thoại của nhân vật tôi (thay lời tác giả) với vợ chồng nhân vật Strove:
"Chị nghĩ gì về những bức tranh đó?" Tôi mim cười hỏi chị ta.
"Chúng thật khủng khiếp."
"Chà, em yêu, em không hiểu được đâu."
"Những nhà buôn Hà Lan chẳng phải đều bực bội với mình sao. Họ nghĩ mình đang chơi xỏ họ."
Dirk Stroeve tháo kính ra lau. Gương mặt anh đỏ gay vì bị kích động.
"Sao mình lại nghĩ về cái đẹp, thứ quý giá nhất trên trần đời này, lại giống như một cục đá lăn lóc bên bờ biển để bất cứ ai qua lại cũng có thể hờ hững nhặt lên? Cái đẹp là điều kỳ diệu và lạ lùng mà người nghệ sĩ tạo ra từ mớ hỗn độn của trần thế trong niềm day dứt của tâm hồn. Và khi cái đẹp thành hình, không phải ai cũng hiểu nó đâu. Để nhận ra nó, mình phải đi trên hành trình mạo hiểm của người nghệ sĩ. Đó là giai điệu du dương mà anh ta hát cho mình nghe, và để nghe lại nó trong chính tâm hồn mình, mình cần có kiến thức, sự nhạy cảm và trí tưởng tượng." (bản NXB Trẻ, trang 128).
Trong cơn túng quẫn bởi sự nghèo đói, cùng bản tính ngoan cố muốn lần tìm đến tận cùng khát khao của bản ngã, Strickland cập bến Tahiti, nơi ông miệt mài sáng tác các tác phẩm nghệ thuật phi thường cho đến ngày qua đời vì chứng bệnh phong khiến ông mù cả hai mắt; để lại một di sản nghệ thuật vĩ đại cùng những nỗi trăn trở hoài nghi về sự mâu thuẫn giữa nghệ thuật và nhân sinh, giữa trần tục thực tế và lý tưởng của con người. Nhà văn của chúng ta đã thốt lên rằng:
Tôi tự hỏi phải chăng Abraham đã thật sự làm hỏng bét đời mình. Được làm điều mình muốn, sống cuộc đời khiến mình hài lòng, bình yên thư thái với bản thân, là làm hỏng bét cuộc đời sao? Và trở thành một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng với mức lương mười nghìn bảng một năm cùng một cô vợ xinh đẹp mới là thành công sao? Tôi cho rằng tất cả còn tùy thuộc vào cái định nghĩa mà chúng ta gán cho cuộc đời, tùy vào sự ưu tiên của mỗi người về nhu cầu của xã hội hay nhu cầu của bản nhân. Nhưng một lần nữa, tôi lại giữ im lặng, vì tôi là ai mà lại đi cãi lý với một hiệp sĩ kia chứ? (NXB Trẻ, trang 332).
Tới đây, chắc bạn đã cảm nhận được tựa đề tác phẩm. Liệu sống trên đời này, có mấy ai ngẩng lên ngắm nhìn Vầng Trăng, hay chúng ta cúi xuống nhặt từng Đồng sáu xu lẻ tẻ?
The Moon and Sixpenceđã xuất hiện lần đầu tạ Việt Nam với tên gọi Đời nghệ sĩ- đó là bản dịch của Võ Viết Chuẩn do nhà Ca Dao ấn hành từ năm 1967. Giờ đây khi đọc xong, tôi thực sự hiểu vì sao bản dịch đó lại chọn tên như vậy: quả thực tên gốc tác phẩm rất gợi cảm nhưng chưa đọc thì khó lòng hiểu được.
Còn về Mặt Trăng hay Đồng Sáu xu, tôi chọn gì? Ở tuổi 40, trải qua đôi ba nghề (sắp tới cái tuổi 47 của Strickland), tôi nghĩ thế này: lựa chọn là ở mỗi người, nếu trong anh có cái thôi thúc “Tôi phải vẽ” thì phải đi tới tận cùng đi, phải ngẩng lên nhìn vầng trăng đi, không thì con người ấy không tồn tại được. Và đó chính là người nghệ sĩ. Còn tôi, tôi biết mình không có chất đó đâu, cùng lắm làm đôi ba dòng thơ con cóc, dịch vài ba cuốn truyện, lúc nào cũng thắp thỏm lo toan nhà cửa, đất đai thì thôi hãy cứ cóp nhặt từng đồng sáu xu. Xin nhớ, hạnh phúc là do mỗi người tự quyết định cho mình.
Bài viết của độc giả Nguyễn Tuấn Bình, được gửi từ email "[email protected]".
" alt=""/>Đời nghệ sĩ