- Sinh năm 1992, Thượng úy Lê Văn Cường không chỉ là chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) mà còn là thầy giáo dạy chữ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. |
Thượng úy Lê Văn Cường. Ảnh: Thanh Hùng. |
Tốt nghiệp xuất sắc, ra trường với quân hàm Trung úy, anh nhận nhiệm vụ công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị quê hương mình. Công tác được 1 năm, khi biết tin có đợt tăng cường quân số cho các tỉnh phía Nam, anh đã mạnh dạn đăng ký và viết đơn tình nguyện lên đường.
Rồi anh được điều động vào công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức (tỉnh Long An). Cũng chính từ đây, anh có cơ hội tiếp xúc, hiểu và đồng cảm hơn với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và “bén duyên” với lớp học tình thương xóa mù chữ.
Các em nhỏ đến đây học xuất phát từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, chủ yếu là con công nhân từ các tỉnh miền Tây lên sinh sống, làm việc. Phần đa bố mẹ các em đều làm công nhân nên điều kiện rất khó khăn. Bản thân các em hằng ngày cũng phải đi bán vé số, phụ bán hàng ở chợ… với cuộc sống tạm bợ.
“Có nhiều em vì gia đình quá khó khăn phải trở thành lao động chính. Nhiều bố mẹ không muốn cho con đến lớp mà chỉ muốn ở nhà đi bán vé số kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Có nhiều em đang học thì phải bỏ ngỏ giữa chừng vì bố mẹ chuyển chỗ làm khác hoặc về quê”, anh Cường kể.
Cũng vì thế mà việc duy trì lớp học ảnh hưởng rất nhiều.
Trước tình hình ấy, thầy giáo Cường phải luôn động viên các em đến lớp, gặp gỡ, chia sẻ để các gia đình hiểu tầm quan trọng của con chữ, của tri thức, qua đó thuyết phục họ tạo điều kiện hết mức cho con em đến lớp.
“Hằng ngày các em đều đi bán vé số hoặc phụ giúp cha mẹ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình nên bản thân nhiều em cũng không muốn đi học.
Do đó chúng tôi phải thường xuyên đến nhà các em để thuyết phục vận động, khuyên răn, tác động từ cả phụ huynh lẫn học sinh. Không cách nào khác phải kiên trì, xác định trong đầu một lần không được thì 2, 3 lần,… thậm chí đến khi nào được mới thôi”.
Nỗ lực của thầy giáo Cường là số học sinh ngày càng tăng.
Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ dạy học, anh Cường kể: “Những ngày đầu đứng trước lớp tôi rất run và luống cuống không biết phải làm thế nào vì chưa bao giờ cầm phấn dạy học bao giờ, mà cũng chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ ở vị trí như một thầy giáo. Mới đầu mình viết chữ xấu do không quen viết bảng các em không đọc được. Thậm chí viết lệch dòng, xiên vẹo. Ngay chỉ việc ghi thứ/ngày/tháng trên bảng cũng không ghi được cho thật rõ ràng”
Để khắc phục, anh chịu khó đi sớm hơn giờ vào lớp liền 1 tuần chỉ để đứng tập viết trên bảng và rồi dần cũng quen.
Về nhà anh giành thời gian xem phương pháp dạy như thế nào và lên giáo án nghiên cứu trước.
Cũng may, đồng hành với anh Cường còn có một chiến sĩ khác trong đơn vị và một cô giáo về hưu nhưng vẫn tình nguyện dạy các cháu nên anh cũng hỏi được nhiều kinh nghiệm.
“Lớp 1, 2, 3 có thể dễ hơn nhưng khi các em lên lớp 4, 5 có nhiều bài khó vì cách giải để các em hiểu không đơn thuần như cách giải của người lớn nên tôi phải chuẩn bị mày mò từ trước. Đặc biệt, môn toán lớp 5 có nhiều bài mình rối. Vì không có chuyên môn nên nhiều lúc phải gọi hỏi cô giáo để soạn bài trước”, anh Cường nói.
“Đầu tiên cảm thấy rất khó khăn nhưng mỗi ngày bước vào lớp nghe các em chào “thầy” thì mình tự nhiên cảm thấy rất vui sướng và càng thôi thúc phải dạy cho các em biết được cái chữ”.
Chuyên môn sư phạm không có mà cũng chẳng được đào tạo một buổi nào nhưng vì thương các em nhỏ nên hằng ngày sau giờ làm việc chuyên môn anh tự mày mò, tìm kiếm trên Internet hay qua các giáo viên để học cách “truyền đạt” sao cho hiệu quả.
Anh còn tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức lễ khai giảng và các buổi tổng kết năm học để các học trò cảm nhận được sự háo hức của việc đến lớp và không cảm thấy thiệt thòi.
Anh Cường cùng các chiến sĩ cũng thường xuyên trích tiền lương để mua bút, vở, bánh kẹo, tổ chức trò chơi cho các em sau mỗi buổi học. Có lẽ, vì tình cảm ấy, các trò có động lực để lên lớp đều đặn hơn đến nay tổng số học sinh là 28 em.
|
Thầy giáo Cường cùng các học trò nhỏ của mình. |
Gắn bó với các em được 2 năm, thời gian không quá dài nhưng trong anh đầy kỷ niệm.
“Kỷ niệm buồn nhất là lần cả lớp chia xa em học sinh Kim Phụng lớp 4- một trong những học sinh học tốt trong lớp do bố mẹ là công nhân phải chuyển chỗ làm và con phải đi theo”.
Số lượng học sinh ngày càng tăng cũng khiến cho anh Cường có thêm động lực rằng việc vận động và giảng dạy có hiệu quả.
Lớp học hiện nay chỉ là một căn phòng chật hẹp mượn được hộ dân rộng 3m, dài 7m, nhưng đều đặn cứ 5h đến 7h tối mỗi ngày vẫn rộn ràng từ việc dạy phát âm những con chữ đến làm toán. “Nhiều em đi bán vé số về chưa kịp ăn tối nên mua bánh mỳ vào trong lớp ăn. Đôi lúc nghĩ lại càng thương các em và chỉ mong các cấp có thể hỗ trợ cho các em phòng học và các dụng cụ học tập”, anh Cường tâm sự.
Ngoài dạy văn hóa, thầy Cường cũng trang bị cho các em kỹ năng sống, giáo dục các em không sa vào các tệ nạn xã hội và phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật.
“Tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những lớp học tình thương, những lớp học xóa mù chữ được mở ra ở những nơi còn khó khăn, nơi mà trẻ em vẫn chưa được đến trường để phần nào đó cho các em có được con chữ làm hành trang bước vào đời”, anh Cường chia sẻ.
Thượng úy Lê Văn Cường là người trẻ nhất được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua.
Thanh Hùng
">