Vịt quay 7 vị
Vịt quay 7 vị từ lâu đã được mệnh danh là món ngon nức tiếng xứ vùng cao Tây Bắc. Sở dĩ món vịt quay có tên gọi như thế là vì người dân nơi đây sử dụng tới 7 loại gia vị khác nhau: gừng,ónngonnứctiếngtỉnhxanhkhôlịch bóng đá ngoại hạng anh hôm nay tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ và quả mắc mật để tẩm ướp món ăn.
Vịt quay 7 vị - đặc sản trứ danh vùng cao Tây Bắc (Ảnh: Ngọc Minh)
Không như những món vịt thông thường, vịt quay 7 vị được chế biến rất công phu, ngay từ khâu chọn vịt. Vịt phải có cân nặng vừa phải, không quá béo cũng không quá gầy, từ 1,8kg - 2kg.
Sau khi làm sạch, vịt được nhúng qua nước sôi cho da căng, săn lại để khi quay vịt sẽ được giòn và ngon hơn.
Điểm đặc trưng nhất của món ăn này phải kể tới khâu ướp gia vị. Gia vị trước khi ướp phải được xào qua để dậy mùi hương. Sau khi mổ vịt, người ta rót gia vị từ từ vào bụng để thấm thật sâu từng lớp thịt rồi khâu bụng lại. Tiếp đó họ sẽ rưới mật ong và quét dấm trên lớp da, cuối cùng đưa lên than hồng nướng sao cho không bị ám mùi khói.
Hương vị hấp dẫn khó cưỡng níu chân du khách (Ảnh: CTCB)
Thịt vịt ăn chắc, ngọt, mềm, không bở, không dai và dậy mùi thơm của mắc mật. Vịt sau khi quay có da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Cắn ngập vào miếng thịt, bạn phải nhai thật chậm để thưởng thức hết vị ngọt của mật ong rừng quyện với vị béo ngậy của dầu thấm đượm trên đầu lưỡi. Thưởng thức đặc sản vịt quay 7 vị Cao Bằng quả thực khiến du khách ăn một lần nhớ mãi.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến chỉ có một lần trong năm, từ khoảng đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5 dương lịch (tầm cuối tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch).
Bánh trứng kiến chỉ có trong vòng 1 - 2 tháng (Ảnh: CTCB)
Bánh trứng kiến có tên gọi khác là Pẻng Rày. Nguyên liệu chính của bánh là trứng non của loài kiến đen, bột gạo nếp và lá cây vả. Để lấy được trứng kiến, người ta phải vào rừng sâu, tìm những tổ kiến lành (loại kiến đen thân nhỏ, đuôi nhọn) làm trên cành xoan, quế hoặc găng…
Trứng kiến có hình như hạt gạo mẩy, căng tròn, có màu trắng sữa và hương thơm thoang thoảng hấp dẫn. Sau khi rửa sạch, người ta phi trứng kiến cùng với hành khô, trộn thêm một ít thịt ba chỉ băm nhỏ, lạc, vừng rang, lá kiệu… để nhân bánh thêm ngọt và ngậy hơn.
Đặc sản “siêu hút khách” du lịch (Ảnh 4: Chiến Dương)
Bánh trứng kiến có vị béo ngậy của nhân lạc, thịt cùng vị ngọt bùi của trứng kiến đen, vị thanh thanh của lá vả. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được miếng trứng kiến nổ “tanh tách” trong miệng, vừa thú vị vừa hấp dẫn.
Vỏ bánh được pha từ bột gạo nếp nương với bột gạo tẻ. Người ta dát bột gạo mỏng cỡ nửa phân lên trên lá vả rồi rắc nhân lên, sau đó chiết thêm một miếng vỏ bánh lên trên và gói kín lại đem đi hấp. Để miếng bánh đẹp hơn, khi bánh chín người dân thường xắt từng miếng nhỏ vuông bày ra đĩa hoặc hộp.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ được trồng ở rất nhiều nơi thế nhưng có lẽ chỉ thổ nhưỡng ở Trùng Khánh, Cao Bằng mới cho ra đời loại hạt đặc biệt.
Hạt dẻ được người dân trồng theo lối quảng canh nên sản lượng thu được không nhiều (Ảnh: CTCB)
Hạt dẻ ở Trùng Khánh thường chỉ xuất hiện vào mùa thu, tầm tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch hàng năm. Loại hạt này thường có một lớp vỏ cứng, dày và nhiều gai bên ngoài giống như quả chôm chôm. Khi tách phần vỏ bạn sẽ thấy mỗi quả chứa khoảng 3 - 4 loại hạt.
Kích thước hạt dẻ Cao Bằng thường to bằng đầu ngón chân, lớn hơn kích cỡ các loại hạt dẻ thông thường, cho nhiều thịt hơn. Sau khi đem luộc chín, người ta thường đem hạt dẻ rang cùng với cát để hạt chín đều và không bị cháy.
Xôi trám
Với người dân Cao Bằng, xôi trám là món ăn dân dã, truyền thống. Khi tiết trời vào thu, người dân nơi đây lại lên rừng hái quả trám về để làm xôi. Nguyên liệu chính cho món ăn này là gạo và quả trám. Trám đen có hai loại là trám nếp và trám tẻ. Người dân bản địa hay chọn trám nếp để đồ xôi vì có chúng có vị ngọt, bùi, thịt mềm chứ không cứng và giòn như trám tẻ.
Xôi trám trở thành món ăn quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân Cao Bằng (Ảnh: transviet)
Từng quả trám đen chỉ to bằng ngón tay cái, khi chín thường có màu tím thẫm, quả còn tươi, đỉnh cuống còn dính nhựa. Trám để nấu xôi phải lựa quả chín mọng, không bị sâu, trước khi nấu phải ngâm trước với nước trong nhiệt độ từ 25 - 30 độ C một lúc cho mềm.
Sau khi ngâm xong, người dân lấy phần thịt bỏ hột rồi trộn với xôi đã đồ thật nhuyễn. Xôi trám ăn bổ, béo, vị là lạ. Món xôi trám ngon nhất là khi được ăn kèm cùng vừng đen hoặc lạp xưởng Cao Bằng.
Bánh áp chao
Được mệnh danh là món ăn vặt “ngon, bổ, rẻ” nổi tiếng Cao Bằng, người dân nơi đây thường gọi bánh áp chao hoặc bánh vịt chao. Đây là món ăn xua tan cơn giá lạnh miền núi.
Khách du lịch mùa đông tới Cao Bằng nhất định phải thưởng thức bánh áp chao (Ảnh: CTCB)
Bánh được làm khá giống với bánh gối miền xuôi, vỏ bánh có sự kết hợp từ bột gạo nếp, bột gạo tẻ và đỗ tương. Nhân được làm từ vịt đã được lọc xương cẩn thận, tẩm ướp gia vị đậm đà. Chờ tới khi mỡ nóng già, người ta bỏ bánh được gói vào rồi chao đi chao lại cho tới khi lớp vỏ vàng ruộm thì lấy ra ngay.
Bánh áp chao ngon nhất khi được ăn kèm cùng nước mắm chua ngọt, rau thơm và đu đủ bào sợi. Lớp vỏ giòn tan hòa quyện cùng với vị thịt vịt miền núi vừa ngọt vừa mềm, quả khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi.
Miến dong đen
Nhắc tới đặc sản Cao Bằng không thể không nhắc tới miến dong đen. Từ lâu nơi đây đã nổi tiếng có sản phẩm miến dong đen được bột dong riềng nguyên chất, ngon.
Sợi miến Phia Đén có màu trắng đục, sợi mềm dẻo dai
Củ dong riềng được trồng tại Phia Đén từ khoảng tháng Giêng tới tháng hai Âm lịch. Vụ thu hoạch rơi vào khoảng tháng 10 - 11. Chất ngọt đặc trưng của dong, sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu chế biến, làm bằng nước của suối nguồn mát lạnh cùng với đó là phương pháp chế biến cổ truyền, người ta đã tạo nên những sợi miến dong đen Phia Đén bóng, đẹp, giòn, dai, không bị dính nát và có hương thơm đặc trưng không loại miến nào sánh bằng.
Hiện nay, miến dong đen Phia Đén đã trở thành thương hiệu riêng được cả nước biết tới, trở thành đặc sản nổi tiếng tỉnh Cao Bằng.
Ánh Tuyết (Tổng hợp)
.