PGS.TS Phạm Ngọc Linh phát biểu khai mạc hội thảo. “Kỹ năng đọc phải được tích lũy, phát triển và nâng dần lên ở mỗi con người. Có thể nói, tri thức của sách khoa học khẳng định năng lực của con người cũng như năng lực đổi mới, sáng tạo của một quốc gia”, PGS.TS nhấn mạnh.
Ths Phạm Thị Bích Hồng cũng khẳng định phương châm của NXB Tri thức là: “Chân thành - Chuyên nghiệp - Khai phóng: Chân thành đối với độc giả; Chuyên nghiệp, hiện đại trong tổ chức xuất bản; Khai phóng trong việc chấp nhận tính đa dạng và sự khác biệt trong khoa học”.
Ths Phạm Thị Bích Hồng Trong tham luận Sách khoa học lý thú như thế nào? , GS-Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ: “Sách là đại dương tri thức mênh mông, đọc sách để biết mình chỉ là hạt cát. Chúng ta cần phải coi sách là người thầy vĩ đại, người bạn tri kỷ và người yêu bất tử. Khi ấy mới có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi, đọc đến cuối đời”.
Tuy nhiên, trên thực tế sách khoa học “kén” người đọc vì lượng thông tin đồ sộ, mang tính chuyên môn cao. Một thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2023 cho biết, Việt Nam hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc.
TS Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổng quát những khó khăn: “Phải nói rằng, đọc sách khoa học - công nghệ như một 'món ăn' ngon, nhưng lại khó 'nấu', khó 'ăn' và khó 'tiêu hóa'. Tức là sản xuất sách khoa học - công nghệ đã khó, nhưng khó hơn là phát hành, khó hơn nữa là đọc và làm theo sách”.
Theo TS, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em. Ngoài ra, còn có sự chi phối của mạng xã hội, tình trạng người nghiên cứu chỉ coi tổng quan tài liệu trong luận văn là hình thức và hiện tượng “sách tặc”, làm sách giả, buôn bán sách lậu ảnh hưởng đến ngành xuất bản.
TS Trần Văn Miều Trong tham luận Biết đọc, đọc sách và đọc sách khoa học: Quá trình khó khăn khi hình thành thói quen này , PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Tổng thư ký VUSTA tin rằng cấp độ cao nhất của việc đọc là đọc sách khoa học.
“Muốn được như thế người đọc cần được đào tạo đầy đủ về phương pháp luận nghiên cứu - điều mà các trường đang thiếu; có sự nghiên cứu khoa học phổ biến theo đúng tiêu chuẩn và thái độ đề cao hoạt động nghiên cứu khoa học của toàn xã hội trên thực chất, chứ không phải hô hào chung chung”, PGS.TS chia sẻ.
Thích nghi với thay đổi
Hiện nay, có nhiều hình thức sách mới như sách điện tử, sách nói… hoạt động trao đổi, mua sách cũng được thực hiện trên mạng. GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam không tán thành quan điểm phê phán giới trẻ lơ là đọc sách bởi người trẻ có thể đọc bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ông đề xuất mỗi gia đình nên có một tủ sách như một không gian văn hóa trong nhà. Những người không muốn sưu tầm sách giấy có thể chuyển sang lưu trữ EBook trên máy tính. Giáo sư khuyến khích người đọc tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như Chat GPT để tra cứu thông tin.
“Song chúng ta phải cẩn thận, đừng vội chấp nhận mà nên xác minh, kiểm tra chéo ở nhiều phương diện để phát hiện sai sót cần điều chỉnh khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Sách chính là công cụ để đối chiếu, chỉnh sửa lỗi lầm của trí tuệ nhân tạo”, vị giáo sư khẳng định.
Toàn cảnh hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách khoa học. Đến với hội thảo, TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí Tuyên truyền đề xuất các trường đại học nên tạo những môi trường khuyến khích đọc sách đối với sinh viên, học tập theo mô hình của nước ngoài. Đặc biệt, cô nhấn mạnh yếu tố đổi mới truyền thông trong ngành sách.
“Sinh viên ngày nay gần như là sống trên mạng, nhiều em muốn xem được các video ngắn giới thiệu sách trên TikTok. Nếu các đơn vị phát hành mời các KOL, KOC giới thiệu sách, hiệu quả đạt được sẽ rất lớn. Tuy nhiên, không phải người nổi tiếng nào cũng mời, phải lựa chọn những người thực sự có hiểu biết để truyền tải thông điệp đúng đắn, tích cực”, nữ tiến sĩ đề xuất.
Cuối cùng, TS Trần Văn Miều đưa ra giải pháp cho 5 nhóm đối tượng trong việc nâng cao văn hóa đọc:
Giải pháp cho Nhà biên soạn sách: Người viết và biên dịch sách cần thực hiện phương châm: “Ít nhưng tinh”. Các tác giả cần biên soạn và dịch những cuốn sách có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người đọc; sách viết ngắn, chắt lọc và có dung lượng trí tuệ cao.
Giải pháp cho nhà sản xuất sách : Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập, đọc morat, họa sĩ…. Thực hiện cơ chế đấu thầu để lựa chọn được những cuốn sách có chất lượng cao.
Giải pháp cho nhà phát hành sách : Có cơ chế đặt hàng cho nhà biên soạn và nhà sản xuất, làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách. Xây dựng mạng lưới phát hành và cần đánh giá sự hài lòng của nhà sử dụng sách.
Giải pháp cho nhà sử dụng sách : Xây dựng thói quen đọc sách ở gia đình và nhà trường. Đặc biệt, cần xây dựng kỹ năng đọc sách khoa học - công nghệ; truyền cảm hứng lan tỏa thói quen đọc sách cho cộng đồng.
Giải pháp cho Nhà nước : Phải có giải pháp căn bản để chống tệ nạn “sách tặc”. Có chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà biên soạn, nhà sản xuất, nhà phát hành và nhà sử dụng sách khoa học - công nghệ.
Ảnh: BTC
Nữ văn sĩ Hàn Quốc đoạt giải Nobel 2024: Đa tài, đa sắc tháiNgày 10/10, Han Kang trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên giành giải Nobel Văn học; bà không chỉ giỏi thơ văn mà còn trực tiếp tham gia nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, thị giác… Ba tiểu thuyết của bà đã được dịch sang tiếng Việt." alt=""/>Sách khoa học: Món ngon khó nấu, khó ăn và khó tiêu hoá