Theo Bộ Tài chính, về tình hình tài chính năm 2016 của xi măng Hải Phòng không bảo toàn được vốn, xi măng Tam Điệp đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng. Thu hồi các khoản nợ, không làm thất thoát vốn nhà nước
Theo báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính năm 2016 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Bộ Tài chính cho biết các thông tin chi tiết về hiệu quả của các công ty con trực thuộc đơn vị này.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Vicem, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 1.361 tỷ đồng (bằng 94% so với năm 2015), lợi nhuận thực hiện đạt 303 tỷ đồng (tăng 106% so với năm 2015). Trong năm 2016, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn là 649 tỷ đồng chủ yếu liên quan đến phần vốn đầu tư tại công ty CP xi măng Hạ Long.
|
Nhà máy xi măng Hải Phòng (Ảnh: Báo Xây dựng) |
Về tình hình nợ phải thu và nợ phải trả, tính đến thời điểm 31/12/2016, Công ty mẹ có số dư nợ phải thu là 1.922 tỷ đồng (chiếm 13,6% tổng tài sản/tổng giá trị tài sản). Trong đó, phải thu lợi nhuận, cổ tức được chia là 235 tỷ đồng; phải thu cho các công ty vay là 1.260 tỷ đồng, chiếm 66%/tổng nợ phải thu (trong đó: Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng vay 200 tỷ đồng, Tam Điệp vay 776 tỷ đồng, Cty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn vay 246 tỷ đồng). Do Vicem Hải Phòng và Tam Điệp có số lỗ luỹ kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản Công ty mẹ cho các công ty này vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm.
Bộ Tài chính cũng cho biết thông tin chi tiết về hiệu quả của các công ty con. Trong đó, với Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Bộ này cho biết đến cuối năm 2016, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỷ đồng. Tuy nhiên, do số lỗ luỹ kế quá lớn (1.120 tỷ đồng) nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 68,86 tỷ đồng. Đặc biệt hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 28 lần, trong khi hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chỉ là 0,55.
“Như vậy, công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ - Vicem” – Bộ Tài chính nhận định.
Tình trạng khó khăn cũng diễn ra tại Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng. Đến cuối năm 2016, đơn vị này lỗ luỹ kế 285 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, công ty vẫn dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy sự mất cân đối về tài chính, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thấp (chỉ 0,64). Cơ quan này cũng cho biết, công ty không bảo toàn được vốn, khi khoản đầu tư của chủ sở hữu là 1.021 tỷ đồng nhưng hiện chỉ còn 638 tỷ đồng.
Sau khi nhận chuyển giao Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà, Vicem đã giúp đơn vị này thoát lỗ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, lỗ luỹ kế của công ty vẫn còn hơn 2.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, con số nợ phải trả lên tới hơn 7.600 tỷ đồng.
“Công ty bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính nghiêm trọng, việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp theo sẽ gặp khó khăn” – Bộ Tài chính nhận định.
Các công ty xi măng khác của Vicem như Bút Sơn, Hoàng Mai, Bỉm Sơn... có hệ số nợ khả năng thanh toán chỉ từ 0,4-0,6 lần. Và cũng như những công ty sản xuất xi măng khác của Vicem, các đơn vị này đều sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn, cho thấy sự mất cân đối về tài chính, khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.
Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty mẹ còn thấp, chỉ đạt hơn 5%. Đến cuối năm 2016, công ty mẹ cho các công ty con vay 1.260 tỷ đồng, trong đó Tam Điệp vay 776 tỷ đồng, Bút Sơn vay 246 tỷ đồng, Hải Phòng vay 200 tỷ đồng.
“Do Vicem Hải Phòng và Tam Điệp có số lỗ luỹ kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản Công ty mẹ cho các công ty này vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm”, Bộ Tài chính nhận định.
Trong văn bản, cơ quan này đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát việc cho vay của công ty mẹ và chỉ đạo Vicem có biện pháp thu hồi nợ. Chỉ đạo Vicem có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Hud, Công ty xi măng Hạ Long và Sông Thao đốc thúc doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo nguồn tiền trả nợ các khoản vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, ADB, khoản vay Quỹ tích lũy trả nợ Bộ Tài chính.
“Giải quyết tồn tại phải từng bước”
Trước đó, vào đầu năm 2017, kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng cũng cho biết, Vicem và 20 công ty trực thuộc vướng nhiều sai phạm, thua lỗ nghìn tỷ trong quá trình kinh doanh, đầu tư. Ngoài ra, việc chi trả thù lao cho ban lãnh đạo tại nhiều công ty con cũng không phù hợp quy định. Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ và báo cáo về Văn phòng Chính phủ trong tháng 3. Tuy nhiên, thông tin này hiện chưa được công bố rộng rãi.
Tháng 9 vừa qua, Vicem cũng có sự thay đổi nhân sự khi ông Trần Việt Thắng thôi chức Tổng giám đốc Vicem. Ông Bùi Hồng Minh, Phó tổng giám đốc tổng công ty sau đó đã được bổ nhiệm vào “ghế nóng” này thay ông Thắng.
Trao đổi về các vấn đề tại Vicem hiện nay, ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc tổng công ty cho biết, về tổng thể, Vicem vẫn có lãi, riêng có 3 công ty vẫn lỗ.
“Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long được Tổng Cty Sông Đà chuyển về theo chỉ đạo của Chính phủ để tái cấu trúc. Trong tái cấu trúc của Hạ Long là doanh nghiêp tự tái cấu trúc để trả nợ cho nhà nước vì nhà nước có vốn và có bảo lãnh cho vay. Đến nay, xi măng Hạ Long đã đứng vững (đứng vững tại hiện tại) còn lỗ luỹ kế vẫn còn tồn tại và phải tái cấu trúc nhiều năm thì mới trả nợ cho nhà nước. Năm 2016 là năm doanh nghiệp đầu tiên trả được nợ còn những năm trước đó, nhà nước phải bảo lãnh. Khi về Vicem, Viecm đã kiến nghị với chính phủ làm rõ vấn đề này” – ông Minh nói.
Còn về Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, vị này cho biết: Đây cũng là lỗ tồn tại từ trước đây. Xi măng Tam Điệp chuyển về Vicem từ năm 2005. Tỉnh Ninh Bình khi chuyển về vốn chủ sở hữu không có. Trước kia đi vay có sự bảo lãnh của nhà nước, lúc đó, Vicem mỗi kỳ trả nợ là phải trả nợ thay nhưng không cân đối đủ để trả nợ nên lỗ vẫn tồn tại đến giờ này.
“Sau khi có kết luận thanh tra tài chính đã lên phương án tái cấu trúc tổng công ty và các đơn vị thành viên. Vấn đề bây giờ phải làm việc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, 2 tháng nay tình hình đã có khởi sắc. Thứ 2 là tái cấu trúc, cổ phần hoá. Vừa rồi đang báo cáo chính phủ, đánh giá giá trị đầu tư tăng gấp đôi tổng tài sản. Quý II/2018 sẽ trình phương án cổ phần hoá. Giải quyết tồn tại phải từng bước không phải ngày một ngày hai” – ông Minh cho hay.
Hồng Khanh
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam có Tổng Giám đốc mới
Ông Bùi Hồng Minh vừa được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thay cho ông Trần Việt Thắng đã bị cho thôi chức trước đó.
" alt=""/>Xi măng Hải Phòng không bảo tồn vốn Tam Điệp mất gần hết vốn