Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng
Nhóm 1 là những yếu tố không thể thay đổi: Tuổi tác, tuổi càng cao, tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng càng lớn, thường sau 50 tuổi; nhóm liên quan đến chủng tộc, giới tính; mắc đột biến gen có tính chất di truyền, phổ biến nhất là Lynch, HNPCC và FAP, tuy nhiên chỉ chiếm 3-5% tổng số ca mắc; Gia đình hoặc bản thân từng mắc ung thư đại trực tràng.
Nhóm 2 là các yếu tố có thể thay đổi, liên quan trực tiếp đến lối sống, bao gồm: Chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều thịt đỏ, nhiều dầu mỡ, ăn nhiều đồ chiên rán, các loại thịt chế biến sẵn, ăn ít rau; lười vận động có thể tăng gấp 2-5 lần nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng; béo phì; uống nhiều bia rượu; hút thuốc lá; có tiền sử polyp đại tràng.
TS Quang cho biết, các nghiên cứu chỉ rõ, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần.
Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư.
Với những trường hợp có người thân từng mắc ung thư đại trực tràng, bác sĩ khuyến cáo các thành viên trong gia đình cần đi tầm soát ung thư đại trực tràng sớm hơn, thường xuyên nội soi để kiểm tra polyp.
Với những trường hợp có polyp, cần can thiệp cắt sớm. Theo nghiên cứu, tất cả trường hợp bị đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư (từ khi sinh ra đến khi 40 tuổi). Nếu sống đến 70 tuổi, hầu hết trở thành ung thư.
Polyp trong đại trực tràng cần được can thiệp sớm để không tiến triển thành ung thư
Sau khi cắt polyp, tuỳ thuộc vào số polyp nhiều hay ít, tùy theo yếu tố nguy cơ cao hay thấp, người bệnh cần soi lại đại tràng định kỳ mỗi 1-3 năm.
Ngoài những trường hợp trên, hầu hết các trường hợp mắc ung thư đại trực tràng có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh.
TS Quang cho biết, chỉ cần hoạt động thể lực thường xuyên đã giúp giảm gần 30% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với những người ít vận động.
Ăn nhiều rau củ, quả sẽ giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng
Nếu mỗi người ăn hơn 800g rau củ và trái cây/ngày có thể giúp giảm 0,74 lần nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với những người tiêu thụ ít hơn 200g rau củ/ngày. Tuy nhiên hiện nay, gần 60% người Việt chỉ ăn 170-200g rau củ/ngày, dưới 50% khuyến nghị của WHO.
Các thức ăn chứa nhiều chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư giúp chúng sớm bị loại khỏi lòng ruột. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; giảm chất béo từ 40% xuống 20-25%, hạn chế muối, thực phẩm lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói, hạn chế lạm dụng rượu bia, thuốc lá cũng như tránh các hoá chất độc hại.
Thúy Hạnh
Báo động ung thư đại trực tràng trẻ hoá, 10 tuổi đã mắc giai đoạn cuối
- Ung thư đại trực tràng thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi nhưng tại BV K đã phẫu thuật cho những bệnh nhân mới 10-12 tuổi.
" alt=""/>Cách đơn giản ngăn ngừa ung thư đại trực tràng ngay tại nhà