Bà Trần Thị Cúc (SN 1966), hiện đang ngụ tại quận 4, TP.HCM.
Bà Cúc thiệt tình chia sẻ: "Ban đầu cô có cho nó nuôi đâu! Biết là con nó đam mê rồi, nhưng mà nhà chật hẹp, không có chỗ. Đã vậy còn nuôi mấy con hung dữ không à. Cô nhằn dữ lắm đó, nhưng con nó đã quá đam mê quá rồi thì thôi mình cũng bấm bụng chịu chớ biết làm sao!".
Trong hộp đựng là trăn gấm (trăn mắc võng) và trăn đất đột biến sắc thể hypo, kích thước lớn nhất có thể đạt được là 6-7m.
"Cô sợ mấy con trăn, rắn dữ lắm! Hồi lúc nó đem con trăn về cô giận nó 2,3 ngày hỏng thèm nói chuyện luôn. Hồi đó con trăn có chút xíu thôi à, mà giờ nó bự chà bá vậy rồi đó. Mà cô coi trên mạng thấy nuôi nó lớn, nó mạnh nó quấn người thấy ghê lắm. Bởi vậy cô sợ dữ lắm!", bà Cúc nói tiếp.
Nói thì nói vậy, nhưng dần dà, bà Cúc cũng bị niềm đam mê to lớn của con trai làm cho xiêu lòng.
Nghe mẹ mình bày tỏ "bức xúc", anh Lê Ngọc Sơn (SN 1991), con trai của bà Cúc chỉ biết ngại ngùng cúi đầu cười. Anh hiểu những lo lắng của mẹ, nhưng tình yêu anh dành cho những con vật này đã quá lớn, muốn bỏ cũng không bỏ được.
Căn phòng nhỏ chứa đầy những con vật mà anh Sơn yêu thích.
Niềm đam mê này không phải chỉ mới có ngày một ngày hai, mà anh Sơn cảm nhận như anh bẩm sinh đã có tồn tại tình cảm đặc biệt này. Theo lời kể của anh, lúc nhỏ, cứ đến dịp lễ Tết, anh đều được ba dắt đi sở thú chơi.
Từ thời điểm đó đến tận bây giờ, anh đều rất thích vào sở thú, ngắm nhìn những động vật hoang dã. Đối với một người đàn ông đã 30 tuổi, sở thú vẫn là nơi vui nhất, thú vị nhất mà anh muốn đến chơi.
Kỳ đà hoa hay còn được gọi là kỳ đà nước của Việt Nam.
Hiện tại, đàn "thú cưng máu lạnh" của anh đã đến gần chục "bé" với đủ các loài như cá sấu, trăn, rùa, rồng nam mỹ, tắc kè, kỳ đà…
Công việc bận rộn, dường như ngày nào anh Sơn cũng phải tăng ca đến 10h đêm mới về đến nhà. Dù vậy, anh vẫn dành thời gian chơi đùa, vuốt ve các "tình yêu" của mình.
Rồng nam mỹ hay còn gọi là Red Iguana.
"Mỗi ngày mình đều đi làm rất nhiều. Về đến nhà khoảng 10h đêm, chưa kịp tắm rửa gì hết là phải lên cho các bé ăn, chơi với các bé. Vì đây là thú săn mồi, lại là động vật máu lạnh nên phải có thời gian vuốt ve, cưng nựng mới có thể từ từ thân thiết với nó được" - anh Sơn chia sẻ.
Không chỉ phải dành thời gian chăm sóc, kinh phí dùng để đầu tư vào thú chơi bò sát này cũng không hề rẻ. Những con vật xù xì, có hơi đáng sợ này có giá hàng triệu, thậm chí chục triệu mỗi "bé". Tuy chi phí thức ăn không đáng kể nhưng việc đầu tư chuồng trại phải tốn kém khá nhiều. Chỉ tính riêng chiếc đèn dùng để sưởi cho chú cá sấu nhỏ cũng đã hơn 1 triệu đồng.
Chiếc đèn dùng để sưởi cho chú cá sấu nhỏ có giá hơn 1 triệu đồng.
Trên tay anh Sơn chi chít các vết sẹo mà theo anh chia sẻ là do bị các "bé cưng" của mình thỉnh thoảng tấn công.
Điển hình là những cú "táp" của chú cá sấu xiêm mà anh Sơn cưng nhất. "Lúc mới đem về mình bị cắn một lần. Gần đây lại bị thêm lần nữa. Lúc đó nó đang bực bội, mình vệ sinh chuồng lấy dây xích lại nên nó khó chịu, lỡ đụng vô cái nó quay qua, nó phập luôn. Mà không sao hết, chỉ bị 1 2 lỗ ở tay thôi, có là gì đâu!", anh Sơn vừa vuốt ve con cá sấu vừa giải thích thay cho nó.
Anh Sơn cũng chia sẻ kinh nghiệm rằng những ai muốn nuôi những loài bò sát này thì nên nuôi từ lúc nhỏ, tốt nhất là lúc mới sinh. Đó là thời điểm con vật dễ gần, dễ làm quen nhất và dù có bị tấn công cũng không sao. Nhiều người lười chăm từ lúc nhỏ mà mua luôn con lớn. Sau khi mua về, con vật dữ quá, lại không quen với người nuôi nên hầu như không thể tiếp cận được.
Đối với anh Sơn, khi chấp nhận nuôi những loài vật này thì cũng phải biết việc bị thương là điều không thể tránh khỏi. Anh cảm thấy việc đó quá đỗi bình thường và chẳng có gì to tát. Chẳng qua chỉ là hơi đau rồi thôi.
Nhưng đối với mẹ anh, đây chính là điều khiến bà lo lắng, bất an nhất. Bà Cúc tâm sự: "Nhiều khi thấy con mình bị cá sấu cắn cô sợ lắm! Cô hay kêu nó, lúc ôm cá sấu thì lấy bao tay đeo vô đi, chứ lỡ bị cắn rồi chạy nọc là chết luôn!"
Giờ đây, bà Cúc đã thường giúp con trai chuẩn bị thức ăn cho các "bé cưng" nhưng chỉ để trước cửa chuồng chứ vẫn chưa dám tiếp xúc trực tiếp.
Dù vẫn hay cằn nhằn, ngăn cản con trai nhưng bà Cúc cũng hiểu được niềm đam mê của con mình. Biết con trai bận bịu công việc, bà thường xuyên chuẩn bị thức ăn cho từng con vật rồi để sẵn trước cửa lồng.
Hiện tại, dù đã quen và chấp nhận sở thích này của con trai nhưng lòng người mẹ vẫn cứ lăn tăn: "Cô mong nó dắt về cho cô đứa con dâu mà trông hoài không thấy, chỉ thấy dắt mấy con này về thôi. Giờ nó mê mấy con này quá, cô sợ nó khỏi vợ con gì luôn!".
Theo Dân Trí
Chạm mặt ổ rắn chúa vằn vện trong nhà chàng trai Sài Gòn Những con rắn có màu sắc sặc sỡ nhập khẩu về có giá từ 1 triệu đến hàng chục triệu đồng trở thành “thú cưng” được nhiều bạn trẻ mua chơi. Một ngành chăn nuôi, kinh doanh rắn làm thú cưng đã hình thành.
" alt=""/>Nỗi lòng của người mẹ khi con trai 'yêu sâu đậm' các loài bò sát