Mai Nguyên vừa khai trương cửa hàng công nghệ lớn nhất từ trước đến nay của họ trên đường Võ Thị Sáu, Q.1, TP.HCM. Ông chủ Mai Triều Nguyên, người được biết đến nhiều trong giới công nghệ do kinh doanh mặt hàng này ngay từ ngày đầu, cho biết phải bán nhà để đầu tư cửa hàng này, và mục tiêu kinh doanh được xếp sau niềm đam mê.Ông Mai Triều Nguyên đã giành thời gian kể về các giai đoạn phát triển của Mai Nguyên, đồng thời chia sẻ về cửa hàng mới là tâm huyết cả đời ông. Dưới đây là toàn bộ lời kể của ông, ICTnews ghi lại.
|
Ông Mai Triều Nguyên - Ảnh: Hải Đăng |
Cửa hàng Mai Nguyên đầu tiên được thành lập năm 2002 ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM nhưng trước đó 3 năm, tôi đã lập cửa hàng ở Hoàng Văn Thụ, lấy tên Triệu Vũ nhưng làm ăn không hiệu quả. Tính đến nay tròn 20 năm trong ngành điện thoại, chứng kiến mọi thăng trầm của ngành này tại Việt Nam…
Không thay đổi thì chết
Cứ dăm ba năm thì Mai Nguyên lại có bước đi mới. Các bước chuyển đổi này không có sự chuẩn bị và tính toán, mỗi bước đi, chặng đường đi tùy vào cơ hội kinh doanh và hướng đi của thị trường. Đặc biệt Mai Nguyên bắt kịp và đi theo đúng mọi xu thế của thị trường công nghệ.
Chẳng hạn tôi đã khởi đầu từ thời điện thoại cơ bản, nơi các hãng Nokia, Motorola là những cái tên huyền thoại. Rồi đến smartphone, nhưng vẫn chỉ là smartphone cơ bản với sự chiếm lĩnh của hệ điều hành Symbian (của Nokia), tiếp đến các hệ điều hành như Windows Mobile. Sau đó là đến thời kỳ điện thoại xa xỉ với các cái tên như Mobiado, Vertu. Thời đó mọi người “trúng” chứng khoán và bất động sản nên Mobiado như biểu tượng của thành công.
Gần đây nhất thị trường điện thoại trở lại smartphone bùng nổ, với Android và iPhone. Đây mới thực sự là thời kỳ bùng nổ của smartphone và kéo dài đến nay.
Cho đến cửa hàng này, Mai Nguyên chỉ thu gọn lại còn bán hàng của hai hãng chủ lực là Samsung và Apple, đây giống như Coca Cola và Pepsi trong lĩnh vực nước giải khát vậy. Từ hai ba chục nhãn hàng điện thoại chỉ gom lại còn hai hãng là do đứng trước một thử thách phải thay đổi, không thay đổi thì chết.
Bây giờ Việt Nam, đặc biệt khu vực thành thị, người ta không còn thay đổi điện thoại nhiều như xưa nữa, gần giống với các nước phát triển rồi. Khách giờ chỉ mua hàng khi máy vừa ra mắt, khi hãng tung chương trình khuyến mại rầm rộ, sau đó rồi thôi. Chả lẽ chỉ bán có một lúc đó, qua thời điểm bán được thì nhân viên ngồi chơi? Do đó phải nghĩ cách để phát triển. Bây giờ một vài chuỗi lớn mở rộng quy mô, giành hết khách rồi, mình kinh doanh cá nhân cần phải tìm đường đi riêng.
Từ suy nghĩ đó mình chuyển qua hướng đồ chơi công nghệ, các loại đồ âm thanh thông minh. Tất cả những đồ kinh doanh cho cửa hàng này đều xoay quanh một hệ sinh thái phục vụ cho di động, trong đó hai nhãn cốt lõi là Samsung và Apple.
Cửa hàng mơ ước lớn nhất cuộc đời
Trong cửa hàng này, có tất cả thiết bị âm thanh di động cho đến lớn hơn như là loa thanh, bộ dàn lớn, bộ loa âm tường, dàn xem phim,... đều xoay quanh hệ sinh thái di động. Mọi thứ đều có thể điều khiển bằng chiếc di động trên tay người sử dụng.
Mô hình này kinh doanh phục vụ cho nhóm khách hàng sử dụng smart home (nhà thông minh), và là lựa chọn hợp xu hướng diễn ra toàn cầu chứ không phải là trái ngành.
Hai ước mơ lớn nhất cuộc đời tôi năm nay đều đã thực hiện được. Đầu tiên là chuyến lái mô tô như ước nguyện, chạy trên nước Mỹ trong vòng 9 ngày qua 7 tiểu bang, tổng cộng 6.400 cây số, là chuyến đi của cuộc đời.
Điều thứ hai năm nay làm được là cửa hàng mơ ước lớn nhất trong cuộc đời. Nó không nằm trong tính toán, kế hoạch gì gớm hết mà xuất phát một cách tự nhiên theo quá trình phát triển của mình. Cửa hàng có diện tích tầng trệt 300 mét vuông, tầng trên 300 mét vuông làm văn phòng, đã gom hầu hết tất cả những gì tinh túy nhất trên thị trường công nghệ thế giới vào đây, chỉ có hàng chính hãng có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam.
Cửa hàng này là một hệ sinh thái với tất cả sản phẩm tốt nhất được gom lại. Từ chỗ mình chơi, mình đam mê nên tìm hiểu các sản phẩm này và đưa hết chúng vào đây. Chỉ những sản phẩm mình dùng thấy ưng ý mới đưa vào.
Người ta mua Mercedes, tôi dùng tiền đó xây cửa hàng, coi như xây nhà mình vậy
Áp lực lớn nhất để mở cửa hàng này đó là việc trưng bày sản phẩm. May mắn là có các hãng hỗ trợ, cộng với phần công sức của mình mới ra cửa hàng như vầy. Do phải có hàng trưng bày nên các mặt hàng tồn kho từ vài triệu, vài chục triệu đến hơn trăm triệu là bình thường. Do đó, chưa có gì tôi thích mà tôi không đưa vào. Nó là cửa hàng theo đúng mơ ước của tôi, đúng ý tôi nhất từ trước đến nay.
Tôi phải bán một căn hộ chung cư được 5 tỷ mấy chục triệu để đổ vào đây, tổng cộng cửa hàng ngốn gần 6 tỷ đồng. Nếu không làm vì đam mê thì khó có thể dựng nên cửa hàng này. Do đó để cho mình dễ chấp nhận, tôi cứ coi như nó là ngôi nhà thứ hai của mình, mình đầu tư cho mình.
">