Buổi tọa đàm với chủ đề “Step Up - Can đảm lựa chọn” nằm trong sự kiện Ngày hội nghề nghiệp Connect the Dots 2019. Connect the Dots là hoạt động thường niên của Hiệp hội Cựu du học sinh Anh tại Việt Nam UKAV dưới sự bảo trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam nhằm kết nối các bạn cựu du học sinh Anh với các nhà tuyển dụng uy tín. |
Cùng với ba vị diễn giả khác, ông Trần Xuân Bách - giảng viên Đại học Y Hà Nội, “PGS trẻ nhất Việt Nam” đã thảo luận về câu chuyện du học sinh nên đi hay ở và lựa chọn con đường sự nghiệp như thế nào. |
Đường về nhà không hẹp
Sự đổ bộ của các tập đoàn đa quốc gia, sự trỗi dậy của các tập đoàn nội địa hay làn sóng startup mở ra cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho người trẻ, trong đó có những du học sinh Anh muốn trở về nước. Con đường không thiếu, đường về nhà không hẹp, nhưng để cạnh tranh với các ứng viên trong nước, du học sinh Anh sẽ có những lợi thế gì?
Theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group: “Khi yếu tố toàn cầu hóa ngày một rõ rệt thì ngoại ngữ là một vũ khí không thể thiếu. Đây chính là điểm yếu lớn nhất của phần lớn nhân sự trong nước, đồng thời là thế mạnh của du học sinh”
Không những thế, cùng với sự vận động này, xu hướng nghề nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Nhu cầu tuyển dụng với một số vị trí đặc thù gia tăng đáng kể, ví dụ như: quản trị chuỗi cung ứng, quản lý rủi ro, kỹ thuật hàng không…
Trên thực tế, tuy những công việc này không quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng phần lớn nhân sự không được đào tạo bài bản mà mang tính kiêm nhiệm hoặc qua hình thức “cầm tay chỉ việc”. Do đó, những du học sinh có điều kiện học tập, thực tập và làm việc ở nước ngoài sẽ chiếm nhiều ưu thế.
Tuy nhìn nhận chung khá tích cực nhưng không phải con đường về nhà nào cho du học sinh cũng dễ đi. Bên cạnh những cá nhân năng nổ và biết nắm bắt thời cơ thì vẫn còn có những bạn du học sinh cảm thấy khó khăn trong quá trình tìm việc hay không tìm thấy giá trị trong công việc mình đảm nhiệm.
Đừng để lực đẩy biến thành lực cản
“Chưa nhận định đúng bản thân, thiếu sự thích nghi và vội vàng thành công là những bất lợi rất lớn mà nhiều bạn du học sinh đang mắc phải khi về nước xây dựng sự nghiệp.” - chia sẻ của bà Đỗ Thị Quỳnh, Giám đốc nhân sự công ty Chứng khoán SSI.
Bởi lẽ khi trở lại thị trường tuyển dụng, du học sinh với bằng cấp quốc tế thường “định giá” bản thân cao hơn mặt bằng chung dẫn đến tự hạn chế cơ hội nghề nghiệp, hoặc khó cảm thấy hài lòng với công việc, dễ chán nản và thiếu kiên trì.
Ở khía cạnh khác, môi trường làm việc trong nước chưa thể chuyên nghiệp như ở các nước phát triển, Nhưng một số du học sinh lại khó thích nghi hoặc không muốn thích nghi, dẫn đến trải nghiệm phong phú khi học tập và sinh sống ở nước ngoài đáng nhẽ phải trở thành lực đẩy, nay biến thành lực cản - theo bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc nhân sự công ty bảo hiểm nhân thọ AVIVA Việt Nam.
Chia sẻ và chỉ dẫn của những diễn giả nhiều kinh nghiệm trong buổi tọa đàm như “Step Up: Can đảm lựa chọn” hay hội chợ nghề nghiệp Connect the Dots là một cơ hội quý giá để các bạn du học sinh hiểu hơn về thị trường tuyển dụng cũng như khám phá bản thân, tận dụng tối đa những lợi ích mà tấm bằng đào tạo tại Vương quốc Anh đem lại cho họ.
Đây cũng là mục tiêu lớn mà UKAV hướng đến khi tổ chức các hoạt động kết nối, mà tiêu biểu là Connect the Dots. Theo ông Nguyễn Hồ Quang Hà - Giám đốc điều hành chi nhánh Hà Nội của UKAV: “Chỉ khi chính du học sinh hiểu được cốt lõi của vấn đề và tự điều chỉnh mình để trở nên phù hợp thì cung và cầu trên thị trường tuyển dụng mới có thể gặp nhau.”
Trong suốt những năm qua, UKAV đang nỗ lực kết nối các cựu du học sinh Anh với các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực để giúp họ hiểu về sự phát triển và nhu cầu nhân lực ở các ngành kinh tế, cũng như đem lại cho họ cơ hội tìm hiểu chiến lược tuyển dụng và cơ hội làm việc tại các công ty này. Sự kiện năm nay tiếp tục thu hút sự có mặt của các công ty hàng đầu.
Không chỉ tập trung vào kết nối nghề nghiệp, UKAV còn hướng tới tạo dựng một cộng đồng du học sinh Anh tại Việt Nam có nhiều hoạt động đa dạng nhằm mục tiêu đóng góp tài năng và công sức tạo nên những thay đổi và những ảnh hưởng có ý nghĩa tích cực cho cộng đồng và xã hội.
(Nguồn Hội đồng Anh)
">