Nội dung tâm sự có thể tóm tắt như sau: "Tội" nặng nhất là trả lương rẻ mạt cho các y bác sĩ, một đêm trực đổ mồ hôi sôi nước mắt mà họ được trả không bằng một tô phở. Vì đồng lương không đủ sống nên mọi người đều phải tính toán để làm thêm, thế là phát sinh ra cái gọi là "chân phải, chân trái", một chân trong bệnh viện công và một chân ở phòng mạch tư. Các bác sĩ vì "chân trong, chân ngoài" như thế nên đến hôm nào trực ở bệnh viện thì phải kiếm người trực thuê để chạy về phòng mạch tư kiếm sống.
|
Mệt nhoài vì những ca trực với thù lao ít ỏi - Ảnh minh họa |
Sau khi đọc chia sẻ trên, bác sĩ Trương Hoàng Hưng, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU), hiện đang hành nghề bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ cũng tâm sự rằng "không biết nên khóc hay cười."
Bác sĩ Hưng đã chia sẻ về những ngày tháng làm bác sĩ nội trú tại Việt Nam:
Học 12 năm trung học, xong rồi 6 năm đại học, vào nội trú danh giá với một niềm tự hào ngấm ngầm. Một ngày kia niềm tự hào ngấm ngầm kia bị dập tắt phũ phàng khi biết được số tiền 2 triệu đồng được lãnh mỗi tháng còn thua anh đứng mở cửa cho khách vào ở khách sạn trên đường Nguyễn Huệ.
Rồi tôi cũng vào cái kiếp trực đầu giờ trong bệnh viện để các bác sĩ đàn anh có thời gian ở nhà “câu cá” (tiếng lóng cho việc khám phòng mạch tư). Từ 4 -8 h thì được trả 60 – 90 nghìn đồng tùy lòng hảo tâm và mức độ thân quen. Có khi tôi trực nguyên đêm cho một chị bác sĩ quen với mức giá cao hơn.
Một lần tôi trực 3 đêm liên tục ở cấp cứu nhi đồng 1, thức trắng 3 đêm. Sáng ngày thứ tư, tôi đi lên cầu thang lên khoa 3CD thì xém xỉu mấy lần. Leo có 3 tầng lầu mà phải ngồi nghỉ 2 lần, sức vóc của một thanh niên 25 tuổi mà cũng đuối. Hôm đó lái xe về nhà suýt đâm vô gốc cây trên đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM.
Một ngày nọ cay đắng nhìn đứa bạn cũ cũng là bác sĩ mà không có việc làm, vì đói nên đi làm trình dược viên. Bạn bảo viết toa Cefixime một viên 16 nghìn (hồi 20 năm về trước 16 nghìn đồng lớn lắm) và bác sĩ được 2 nghìn đồng. Tôi nhìn bạn xong rồi gật đầu vì không muốn bạn buồn, nhưng biết là sẽ không viết vì 2 lẽ.
Thứ nhất, tôi ít cho kháng sinh.
Thứ hai, tôi luôn cho mấy thứ rẻ tiền mà trị hết bệnh trước, còn thứ mắc tiền như vậy thì hiếm hoi mới cần tới. Sau đó bạn cũng không gặp tôi nữa. Đừng bảo tôi có tâm, chẳng qua tôi từ nhỏ lớn gia đình khá giả, không phải nuôi ai, không đói nên mới có thể từ chối, còn nếu ngược lại thì chưa chắc.
Tôi qua Mỹ, nói lương bác sĩ ở Việt Nam 200-300 USD một tháng, đồng nghiệp Mỹ nhìn tôi tưởng tôi kể chuyện xạo. Tôi cười bảo xạo làm gì.
Tôi làm việc ở Mỹ đã lập kỷ lục là khám 115 bệnh nhân trong 8 tiếng đồng hồ. Bác sĩ nhi bên đây khám chừng 40 bệnh là nhảy tưng tưng rồi, nên ai nghe tôi kể cũng tròn mắt kinh ngạc. Tôi cười bảo chuyện thường ngày ở Việt Nam ấy mà.
Tôi đi nội trú bên Mỹ, nội trú ở Mỹ so với Việt Nam cũng dễ thôi. Tôi đi thực tập ở khoa sơ sinh, nổi tiếng là chọc dò tủy sống không trật. Sao trật được khi mà ở Việt Nam ngày nào cũng chọc 4-5 ca. Còn đặt nội khí quản trong 3 năm nội trú ở Mỹ tôi đặt được 10 lần, không trật lần nào vì ở Việt Nam trực cấp cứu gần như ngày nào cũng đặt nội khí quản.
Mấy bạn học bác sĩ ở Mỹ hay đòi quyền được đòi hỏi và mấy bạn đó tối ngày khiếu nại này kia lên bộ môn, lên hội đồng nội trú, phàn nàn đủ thứ từ làm nhiều giờ cho tới các quyền lợi khác. Có lần bạn đó tới hỏi tôi có phàn nàn gì nói luôn để thêm. Tôi nói không có gì phàn nàn. Bạn trố mắt nhìn tôi, tôi nhún vai nói có gì đâu mà phàn nàn. So với nơi tôi từng ở và làm việc trước đây, nơi đây là thiên đường rồi. Từ đó tới sau không thấy ai hỏi nữa hết.
K.Chi
Một sản phụ sinh sớm 3 tuần, bé trai nặng 5 kg
- Mặc dù chào đời sớm hơn 3 tuần so dự kiến, bé trai vừa ra đời ở Quảng Ngãi vẫn nặng tới 5 kg.
">