|
Ứng dụng Face Play đang gây bão trên mạng xã hội với khả năng tạo video ghép mặt. Ảnh: Trọng Đạt |
Từ dữ liệu người dùng đã cung cấp, ứng dụng sẽ đưa ra các bộ lọc video để người dùng có thể lựa chọn. Face Play sau đó sẽ tiến hành ghép khuôn mặt người dùng vào những nhân vật trong các đoạn video có sẵn.
Bằng cách này, người dùng có thể dễ dàng hóa thân vào nhiều bối cảnh khác nhau như thiếu nữ Trung Hoa, hiệp khách giang hồ, cô gái bốc lửa bên siêu xe hay nữ yêu quái trong bộ phim Tây Du Ký.
Trải nghiệm từ nhiều người dùng cho thấy, Face Play có khả năng xử lý cắt ghép khá ấn tượng. Bất kỳ người dùng nào cũng có thể hóa thân thành các nhân vật khác một cách hoàn hảo. Do đó, trào lưu này đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng khi được rất nhiều người hưởng ứng và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
|
Để tạo video ghép mặt, người dùng buộc phải cung cấp dữ liệu tất cả các góc cạnh của mình cho ứng dụng. Ảnh: Trọng Đạt |
Face Play có thể làm được điều đó là nhờ một công nghệ có tên gọi Deepfake. Đây là một từ ghép của “deep learning” (học sâu) và “fake” (giả mạo) trong tiếng Anh. Chính tên gọi này cũng đã phản ánh phần nào khả năng của Deepfake. Đó là kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo.
Khả năng của Deepfake là tái tạo khuôn mặt người nhờ những hình ảnh đã được pixel hóa. Nhờ vậy, dữ liệu khuôn mặt của một người có thể được ghép sang hình ảnh và video của một người khác.
Hồi năm 2013, khi diễn viên Paul Walker qua đời đột ngột, chính phiên bản sơ khai của công nghệ Deepfake đã được các nhà làm phim sử dụng để thực hiện nốt bộ phim Fast & Furious 7 đang dang dở. Đó là một trong những lần đầu tiên thế giới được chứng kiến sự kỳ diệu của công nghệ này.
|
Công nghệ Deepfake có thể tạo ra những bức ảnh, video với khuôn mặt được thay thế như thật. |
Tuy vậy, ở một mặt khác, Deepfake là công nghệ nguy hiểm bởi nó có thể tạo ra những đoạn video giả mạo một cách dễ dàng, thậm chí mắt người khó lòng phân biệt được.
Scarlett Johansson - nữ diễn viên nổi tiếng của các bộ phim như Iron Man 2, The Avengers, Captain America 2, Lucy... chính là nạn nhân đầu tiên của Deepfake. Vào năm 2017, một thành viên Reddit đã ghép mặt của Scarlett Johansson vào một bộ phim khiêu dâm rồi phát tán trên diễn đàn này.
Không chỉ vậy, vào cuối năm 2020, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn căng thẳng, cựu tổng thống Donald Trump còn trở thành nạn nhân của Deepfake khi một video với khuôn mặt ông được tung ra cùng những phát ngôn không chuẩn mực. Đến lúc đó, nhiều người mới thực sự nhận ra mức độ nguy hiểm nếu lạm dụng công nghệ này.
Những năm gần đây, giới tội phạm đã có những tiến bộ vượt bậc trong ứng dụng công nghệ AI vào việc giả mạo, đặc biệt là thông qua các thuật toán học sâu. Đây là điều rất nguy hiểm bởi lượng dữ liệu và khả năng tính toán mà con người ngày nay có được đang ngày một lớn.
|
Deepfake ngày càng nguy hiểm hơn khi những người sở hữu công nghệ này lạm dụng nó nhằm phục vụ cho mục đích chính trị. |
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Minh Đức - CEO Cyradar cho biết, về mặt rủi ro, những người đứng đằng sau Face Play có thể đang có chiến dịch thu thập hình ảnh của nhiều người trên thế giới. Mục đích của họ dùng vào việc gì thì chúng ta chưa biết.
Việc sử dụng Face Play là một sự đánh đổi của người sử dụng khi họ phải chấp nhận rủi ro về việc chia sẻ dữ liệu của mình cho một bên khác. Họ không biết dữ liệu đó được dùng làm gì về sau.
Trước câu hỏi về việc người dùng có nên sử dụng những ứng dụng ghép ảnh, video khuôn mặt như Face Play không, ông Đức cho rằng, với việc tạo ra những video như vậy, người dùng hoàn toàn không biết đơn vị phát triển app có lợi dụng hình ảnh đó để tạo những video gì khác hay không.
“Người dùng cần hiểu rõ rủi ro đó. Nếu họ chấp nhận việc hình ảnh của mình sau này được dùng vào một mục đích khác thì có thể sử dụng. Với những ai sợ các thông tin này bị sử dụng vào mục đích xấu, gây hại cho bản thân, họ nên cân nhắc trước khi tự tạo cho mình những đoạn video như vậy.”, vị chuyên gia bảo mật này chia sẻ.
Theo ông Đức, đối với cá nhân người sử dụng, các dữ liệu như số điện thoại, hình ảnh, video hoặc thông tin liên quan đều cần được cân nhắc một cách cẩn thận trước khi chia sẻ lên mạng xã hội, cho các cửa hàng hoặc bất kỳ nơi nào khác.
Thông tin đó hoàn toàn có thể bị sử dụng vào những việc xấu. Do vậy, với thông tin riêng tư, chúng ta nên thận trọng và không chia sẻ công khai trên mạng.
|
Khi sử dụng những ứng dụng như Face Play, sẽ rất nguy hiểm nếu dữ liệu đó bị đánh cắp, rò rỉ hoặc được sử dụng cho những mục đích không lành mạnh. |
Thực tế cho thấy, theo Deeptrace - một công ty chuyên nghiên cứu về AI, đơn vị này đã tìm thấy 15.000 video có sử dụng kỹ thuật Deepfake vào cuối năm 2019. Đáng chú ý khi có tới 96% trong số đó là các nội dung khiêu dâm. Phần lớn những nội dung khiêu dâm này sử dụng Deepfake để thay thế mặt nhân vật trong video bằng các diễn viên nổi tiếng.
Sẽ rất nguy hiểm nếu một người sử dụng Deepfake để ghép mặt người khác vào các nội dung khiêu dâm với mục đích trả thù. Điều này còn nguy hiểm hơn nếu những dữ liệu liên quan đến hình ảnh cá nhân của một người bị rơi vào tay giới tội phạm mạng.
Đó là lý do mà người dùng cần thật sự cảnh giác khi tải và sử dụng các ứng dụng video ghép mặt như Face Play. Những ứng dụng này có thể giúp chúng ta có cảm giác vui vẻ, thoải mái trong giây lát. Tuy nhiên, sẽ thật khó đo đếm được hậu quả nếu những thông tin hình ảnh cá nhân của bạn bị lộ lọt ra ngoài.
Trọng Đạt
Mánh khóe dụ dỗ người dùng nhấn vào link chứa mã độc, cướp tài khoản
Nhiều kẻ lừa đảo đã sử dụng những chiêu trò tinh vi nhắm vào người dùng để cài cắm mã độc. Nếu không tỉnh táo, bạn có thể trở thành nạn nhân của các tin tặc bất cứ lúc nào.
">