Mấy ngày nay, sự việc hai thanh niên 18 tuổi bị xử lý hình sự vì tội cướp ổ bánh mỳ đang gây xôn xao dư luận. Người ta bàn tán, tức giận, mỉa mai cơ quan pháp luật và khóc thương cho hai thanh niên 18 tuổi, chỉ vì đói mà đối diện án tù.Hiệu ứng từ một mô típ tít báo nhạy cảm
Có lẽ vụ việc hai thanh niên ăn trộm ổ bánh mỳ bị truy tố hình sự sẽ không gây dự luận rộng rãi như vậy, nếu trước đó không có vụ việc của quán cà phê Xin Chào. “Xin Chào” đã trở thành đề tài gây phản ứng dữ dội đối với nhân dân cả nước trong suốt gần 1 tháng qua. Cùng với Xin Chào, vụ việc người tố cát tặc bị xử lý hình sự cũng “bồi” thêm không khí căng thẳng trong dư luận.
Chính vì vậy, vụ việc của hai thiếu niên mới gây hiệu ứng mạnh mẽ như hiện nay. Tất cả đều xuất phát từ tít báo có mô tip na ná nhau: “Chậm làm giấy phép đăng ký kinh doanh, chủ quán cà phê bị truy tố hành sự”; 'Tố cáo cát tặc, bị bắt giam”, và “Cướp ổ bánh mì lúc đói, hai thiếu niên đối diện án tù”. Mô típ ở đây là: Vì những điều vụn vặn, phi lý... dẫn đến bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, có lẽ vì quá nhạy cảm với tít báo kiểu này và với cụm từ “xử lý hình sự”, mà dư luận đã phản ứng có phần a rua với các sự việc có tính chất khác nhau.
Với hai sự việc trên, rõ ràng phản ứng dữ dội của dư luận là chính xác. Nhưng ở sự việc sau, người ta cũng có phản ứng tương tự như trên, vô hình chung họ đang đấu tranh đứng về người có tội và tố ngược lại cơ quan thi hành pháp luật.
Đọc coment của rất nhiều người, có thể nhận thấy họ dường như không đọc bài, để thấy tính chất của sự việc, mà chỉ chăm chăm đọc dòng tít mang tính chất khá giật gân, nhạy cảm, sau đó phản ứng gay gắt.
Bạn có dám mở rộng lòng thương, tặng hai thanh niên dạt nhà, từng có tiền án trộm cặp, đốt tiền chơi game suốt cả đêm thức ăn và tiền không?
Rất nhiều đọc giả sau khi đọc tít báo: “Cướp ổ bánh mỳ, hai thanh niên đối mặt án tù”, đã nhanh tay coment thế này: “ Khổ thân, chỉ vì miếng ăn mà tù tội, nếu tôi ở đó, tôi sẵn sàng mua cho họ ăn”, “Chỉ là ổ bánh mỳ thôi à, chủ quán nhẫn tâm quá”. Tôi mà là chủ quán, tôi cho các em luôn, chứ 45 nghìn đồng mà đưa lên công an”. “Tội nghiệp các em, chỉ vì đói thôi, tôi mà ở đó, tôi hoàn toàn có thể mua cho các em và tặng thêm các em tiền để sống qua ngày”.
Vâng, quả là những dòng bình luận rất có tâm, rất thật lòng từ những người mới nghe phong phanh sự việc. Dường như nhiều người Việt có chung một đặc điểm như thế này: Họ nói rất hay, rất mạnh miệng trước những sự việc tưởng như ở đâu rất xa xôi, miễn nó đừng ảnh hưởng đến mình, miễn đừng ở cạnh mình là được. Điều này cũng tương tự như một chuyên gia tâm lý luôn khuyến khích, động viên một cô gái nào đó, chấp nhận một anh chàng tàn tật làm chồng, nhưng lại có thể từ mặt con gái mình nếu nó dám yêu một chàng trai như vậy.
Điều đó có nghĩa, chắc chắn rằng 90% trong số những người nói thương xót và sẵn sàng mua cho hai thanh niên kia vài ổ bánh mỳ, sẽ co rúm người lại nếu hàng xóm cạnh nhà họ có hai thanh niên vừa có tiền án về tội trộm cắp, lại rủ nhau dạt nhà, chơi game suốt đêm nên hết tiền và nghĩ tới việc đi cướp. Thậm chí dù là gặp gỡ, nói chuyện với các thanh niên kiểu này cũng khiến họ e dè, vì ai cũng biết, với những đối tượng này, càng gần với họ, thì nguy cơ bản thân và gia đình đối mặt với nguy hiểm càng cao.
Người Việt hay kêu gào, nhưng lại quá bao dung đến mức thiển cận?
Bên cạnh những ý kiến sẵn sàng chi tiền cho hai thanh niên, thì đại đa số ý kiến đều thể hiện sự tức tối, giận dữ, phấn uất với cách xử lý vụ việc của nhà chức trách. Nhiều người còn thể hiện những câu nói đầy mỉa mai, ý nói thất vọng với hệ thống chính quyền, không bao dung và yêu thương người nghèo, những con người cùng khổ.
Dưới đây là những coment đặc quánh sự phẫn uất như vậy:
“Vì 45 ngàn đồng mà có thể phải đi tù, thiệt là hài”, “Vì quá đói.... Thật đau lòng”, “Ôi cười cái sự đời”, “Đọc tin này sao thấy đắng lòng quá”, “Vì đâu mà chúng cướp hai ổ bánh mì ? Thưa vì đói. Chuyện đáng để suy nghĩ !” “Hỏi vì sao lại có cướp giật, vì dân nghèo, hỏi vì sao nghèo, do không được học hành”; “Tội cho các em đói khát tha phương cầu thực và giờ thì tù tội. Có lẽ vào tù sẽ đỡ đói hơn”.
Nhìn những coment kể trên, những người hiểu chuyện sẽ thấy chính những người đang thể hiện tình thương kia mới thật khôi hài. Tạm không nói đến chuyện mức án trên là nặng hay không nặng, vấn đề là pháp luật đã quy định, trước mắt, cơ quan thực thi pháp luật cứ áp dụng. Còn tại phiên tòa, những tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng, hay những phản biện sẽ được nhắc đến sau.
Vấn đề cần nói ở đây là: Tại sao những người phát biểu những lời rầu rĩ ở trên không tự mình hiểu ra: Hai thanh niên kia có thực sự không kiếm nổi 2 nghìn đồng để mua ô bánh mỳ chống đói không? Và có phải họ quá đói đến mức phải phạm tội để khỏi chết đói không?
Dù kinh tế còn nghèo, thì ở Việt Nam, có lẽ thanh niên sức dài vai rộng không bao giờ bị đẩy đến mức đói khát phải đi ăn cướp. Thanh niên lâm vào đói khát chỉ có thể vì hai lý do: Lười lao động hoặc nướng hết tiền vào ăn chơi.
Rõ ràng, hai thanh niên kia có tiền chơi game. Và vì mải chơi, hết tiền nên họ mới lâm vào cảnh đói khát. (Đó là chưa kể họ còn có xe máy làm phương tiện đi cướp). Vậy ở đây, cái đói của họ là đáng thương hay đáng trách? Và cái đói có biện hộ được cho hành vi sai trái của họ không?
Nhiều người kêu gào, rằng ở Việt Nam, tệ nạn quá nhiều, trộm cắp đầy rẫy, pháp luật chưa nghiêm... Tạm chưa nói ở vụ việc trên, nên hay không nên xử lý hai thanh niên kia vài năm tù, mà vấn đề ở đây là thái độ của chúng ta đối với vụ việc. Người ta có thể xin tòa giảm nhẹ cho các bị cáo, có thể thể hiện sự cảm thông với các bị cáo, nhưng nói chuyện với thái độ mỉa mai, đầy phẫn uất với những người thi hành pháp luật thì có nên chăng?
Dĩ hoà vi quý, “căn bệnh thế kỷ” của người Việt?
Có rất nhiều vụ việc người ta phải ngạc nhiên trước thái độ của người Việt. Họ rất phẫn uất trước một vụ việc tiêu cực, thể hiện tinh thần đấu tranh đến cùng, nhưng khi đạt được một tý, một tý quyền lợi thôi, họ nhanh chóng cười xòa và để vấn đề đang còn ngổn ngang kia chìm êm.
Đơn cử hai việc gần đây thôi. Vụ việc thứ nhất là vụ kiện của ca sĩ Thu Minh đối với nhà thầu vì chậm bàn giao căn nhà trăm tỉ mà cô đã ký hợp đồng mua. Nội tình sự việc thế nào, ai đúng ai sai chưa rõ. Chỉ có điều, những gì dư luận biết được là: Căn nhà trị giá 90 tỷ đồng. Thay vì phải nộp 15,8 tỷ đồng (tương đương 25% tổng giá trị hợp đồng) cho lần thanh toán đợt đầu tiên thì Thu Minh trình bày khó khăn, đề nghị chỉ thanh toán 2 tỷ đồng và được chủ đầu tư chấp nhận ký hợp đồng. Tuy nhiên, vì chủ đầu tư chậm bàn giao nhà theo thỏa thuận, nên Thu Minh đã kiện đòi bồi thường số tiền 12 tỷ đồng theo đúng như cam kết trong hợp đồng.
Theo dõi sự việc, đa số người nhảy vào mắng Thu Minh là người thích “ăn đậm”, “đóng có 2 tỷ mà đòi bồi thường 12 tỷ”, “lợi dụng sơ hở của nhà đầu tư”. Theo dõi bình luận của nhiều người về vụ việc mà muốn cười rơi nước mắt. Bởi vì tinh thần dĩ hòa vi quý như vậy, nên hầu hết người mua nhà dự án đều bị chậm từ 1 năm đến vài năm, nhưng chẳng biết làm gì. Họ chỉ vừa ăn, vừa lầm bầm chửi nhà đầu tư, rồi... từ từ nuốt cục tức vào bụng.
Vụ việc thứ 2, vụ án quán cà phê Xin Chào gần đây tiếp tục là một ví dụ cho tinh thần đấu tranh nửa vời của người Việt. Ngay sau khi vụ việc được sáng tỏ, chủ quán cà phê và luật sư muốn kiện đòi lại 17 triệu đồng đã bị buộc phải nộp phạt sai và “cân nhắc chuyện đòi bồi thường do bị truy tố oan”. Ngay lập tức, hàng trăm người đã nhảy vào, kêu ông là “đừng làm quá”, “tham thì thâm”. Tôi chỉ xin trích một ý kiến được hàng nghìn người thích dưới đây thay cho mọi bình luận:
“ Ông anh ơi, nghèo chúng ta cũng đã nghèo lâu rồi có thêm chút cũng không giầu lên được. Mình đã nhẹ lòng được minh oan, đó là giá trị nhất! Chỉ nên lấy lại tiền phạt oan thôi còn như để đòi bồi thường theo luật thì đừng... Nhìn ông anh hiền hậu chất phát tôi nghĩ ông anh hiểu điều này. Cái gì bỏ qua được thì bỏ cho nhẹ người”.
Đấy, người Việt mình vậy đấy. Khi bị ảnh hướng đến quyền lợi, thì họ hùng hổ la lối, chửi mắng... nhưng khi nhận được một tý, một tý quyền lợi, thì mặc nhiên cười khì và cho qua tất cả.
Và vụ án hai thanh niên cướp ổ bánh mỳ cũng tương tự, có điều nó hơi ngược lại một chút. Người ta luôn kêu gào trộm cắp, tệ nạn... nhưng chỉ thấy hơi thương thương là họ lập tức dừng lại và bỏ qua tất cả, bất chấp những người đó có phạm luật hay không. Nhưng không dừng lại ở đó, họ thậm chí còn quay trở lại trách ngược nạn nhân hay những người có liên quan.
Và nếu cứ nói và hành động theo bản năng, theo tình cảm mà ít dùng đến hiểu biết và lý trí, liệu bao giờ người Việt chúng ta mới văn minh lên được, bao giờ xã hội chúng ta mới văn minh hơn được?
theo ign
">