Tôi nhớ rất rõ,ồngđichinhphụcgáigiàutrởvềtrắkeonhacai video cái ngày cách đây đúng mười sáu tháng hai mươi mốt ngày, khi Dũng khoác ba lô lên vai, xe đã đề máy mà tôi còn nói với theo trong nước mắt: “Anh ơi... đừng bỏ ba mẹ con em, anh ơi...”. Nhưng, Dũng vẫn lạnh lùng: “Cô còn đòi hỏi gì nữa? Nhà cửa tôi để lại cho cô hết rồi. Đơn ly hôn cũng đã ký luôn. Hàng tháng tiền cấp dưỡng hai đứa nhỏ sẽ chuyển vào tài khoản của thằng bé Tín. Cô hãy để tôi sống cho mình!”.
“Trải nghiệm bản thân”
Và Dũng đi. Đi theo “tiếng gọi con tim” của người đàn ông ở tuổi năm mươi, bỏ lại một mái gia đình đầm ấm hơn 20 năm dài với bao vui buồn vợ chồng cùng chia sẻ. Dũng đi, bỏ lại công việc ở một công ty tư nhân với mức lương khá cao và vị trí cũng không phải thấp. Con bé lớp 5 của tôi khóc và buồn đến ốm nhom. Thằng con cuối lớp 11 lầm lì không nói gì suốt ngày này qua ngày khác. Ơn trời, chúng vẫn còn học giỏi và chịu ăn uống. Tôi khổ sở với cương vị một chủ tịch Hội Phụ nữ phường nhưng lại bị chồng bỏ. Vì sao ư? “Em không có lỗi gì cả. Nhưng hai mươi mấy năm qua anh thấy hôn nhân mình bình lặng đến nhàm chán. Anh xin em, hãy để anh sống cho mình. Cô ấy rất giàu, em không phải lo cho anh chén cơm manh áo. Anh muốn trải nghiệm bản thân để thấy mình đủ sức chinh phục phụ nữ nhà giàu”, lý do để Dũng bỏ tôi là thế!
Ba tháng sau ngày Dũng đi, hai con tôi vẫn nhận đều tiền cấp dưỡng. Nói cho cùng, một triệu đồng một tháng làm sao đủ cho các nhu cầu của một đứa trẻ trong thời buổi vật giá leo thang, nhưng tôi vẫn quý vì chồng mình còn nhớ tới con. Chỉ khổ cho tôi, trong công việc luôn phải e dè, nhất là các vấn đề liên quan tới gia đình. Làm sao tôi có thể an ủi, động viên, tư vấn cho chị em phụ nữ bảo vệ hạnh phúc gia đình khi chính mình còn không làm được điều đó?
Sang tháng thứ tư thì con tôi không còn nhận được cấp dưỡng, số điện thoại của cha nó cũng không liên lạc được. Dũng như biến mất khỏi cuộc sống này dù mẹ con tôi đã cực công về nội tìm kiếm, xới tung các mối quan hệ bạn bè của anh trước kia để dò chút thông tin.
Cái Tết năm ấy mẹ con tôi không biết xuân là gì khi đi đâu, chạm vào nơi nào của căn nhà bé nhỏ cũng đầy ắp bóng hình của người đàn ông bội bạc ấy. Vậy mà cả ba mẹ con vẫn không thôi mong chờ, tìm kiếm. Giận chồng, trách cha thì ít, mà lo rất nhiều. Biện pháp đăng tin tìm người thân cũng đã áp dụng nhưng bóng chim tăm cá.
Thằng con thi tốt nghiệp cấp III với điểm cao không ngờ. Lại còn được khen tặng là một trong mười thủ khoa của tỉnh. Mẹ con tôi ôm nhau khóc, vui buồn lẫn lộn. Giá mà bây giờ có ba con ở nhà, chắc tiệc tùng sẽ rôm rả lắm. Tôi còn tự nhủ mình sẽ không ca cẩm khi anh uống hết lon này sang lon khác, tôi sẽ không cằn nhằn khi anh mở volume giàn karaoke điếc cả tai... Món bún chả mà hai con ưa thích, tôi làm nhưng chúng không hề đụng đũa.
Thằng con tuy đã bớt lầm lì nhưng không lấy lại được hình bóng một chàng trai vui tươi hay hò hát nữa. Đứa con gái nhỏ thút thít chán chê lại bảo: “Ba làm mẹ buồn vậy, nếu ba về mẹ có cho vô nhà không?”. Tôi bảo con, nhà này của bốn thành viên chúng ta chứ không của riêng ai. Rồi lại buồn: “Nhưng biết đâu, ba con sẽ không thèm về nhà này nữa”.
Lá rụng về cội
Vậy mà khi nỗi buồn của mẹ con tôi đã nguôi ngoai thì Dũng quay về. Anh lí nhí xin lỗi nhưng thật sự tôi không nghe gì hết, chỉ nhìn anh chép miệng mà đoán vậy thôi. Anh tiều tụy quá, đen và gầy nhom, già đi năm, bảy tuổi. Anh bảo, anh thật là dại dột mới bỏ vợ con. Cũng may tôi vẫn đợi chờ chồng nên không nộp lá đơn đã có sẵn chữ ký của anh lên tòa án. Nhưng tôi vẫn bảo: “Nộp rồi. Xử ly hôn vắng mặt luôn rồi”. Dũng nói, tôi chịu cười vậy là còn thương anh. Trước khi về nhà, Dũng đã tới tòa án huyện hỏi thăm rồi, “không có vụ ly hôn nào mang tên anh và em cả”.
Hai con tôi mừng hơn bắt được vàng khi thấy ba về, nhưng tự ái đàn bà không cho phép tôi ra mặt hồ hởi chào đón chồng. Bữa cơm, tôi bảo con dọn thêm chén đũa, kín đáo làm thêm món Dũng thích, tự biện minh với mình “món này cũng ngon mà lâu nay bận quá không làm”. Tối, chồng tôi ý tứ chỉ nằm ngoài phòng khách, dáng co ro chịu đựng cứ xoay trở hoài trên chiếc ghế salon chứ không vào phòng ngủ với con trai.
Một tuần trôi qua, tôi cứ đi làm, trưa về nấu ăn nhưng nhà cửa đã được “ai đó” dọn dẹp gọn gàng. Quần áo đã giặt, nhà đã lau, cơm đã nấu... Mấy công việc mà gần hai mươi năm qua Dũng không mấy khi làm (trừ khi tôi ở cữ).
Hôm kia, lại thấy anh loay hoay với mớ giấy tờ gì đó. Thấy bóng tôi về thì giấu nhẹm dưới mấy chồng báo cũ, rồi lăng xăng lặt rau, kho thịt... Tôi buồn cười nhưng ấm ức vẫn không nguôi. Bây giờ Dũng cùng đường rồi mới về với tôi chứ gì? Có phải cô bồ giàu có đó đã không rộng tay đón khi biết anh đến với cô chỉ là tay trắng nên “đá” anh? Giả dụ, tôi cũng muốn “đổi gió” như anh và sau đó cũng quay về, liệu anh có dễ dàng chấp nhận?
Bữa cơm tôi vẫn ý tứ sắm thêm vài món Dũng thích. Lại lấp liếm trả lời con gái “món đó cũng ngon tại lâu nay mẹ bận quá không làm được”. Chỉ có con trai lớn là tủm tỉm cười. Hôm nay tôi mệt nên về sớm. Chồng tôi không có nhà. Mớ giấy tờ gì đó mà mấy hôm nay anh giấu tôi ghi ghi chép chép, hóa ra là... đơn xin việc.
Năm mươi hai tuổi rồi, liệu Dũng có dễ dàng tìm được việc làm hay sẽ bẽ bàng vì “sóng sau lùa sóng trước”? Nhẹ nhàng cất lại mớ giấy tờ như mình chưa phát hiện ra, tôi tự hỏi, liệu ngày Dũng bỏ mẹ con tôi ra đi, anh có nghĩ đến ngày sẽ lâm vào cảnh đường cùng như hôm nay?
Tôi không còn giận chồng. Lòng bình lặng như thể Dũng là một người quen, nhưng cứ gờn gợn câu hỏi: “Giả sử suôn sẻ với cô nhân tình kia, anh có về với mẹ con tôi?”. Giờ anh về, không còn chút tài sản nào cả. Chiếc xe ngày nào đã mất, khoản tiền gần trăm triệu mà anh buộc tôi chia đôi từ sổ tiết kiệm để anh mang đi “sống cho mình” cũng không còn. Con gái suýt trầm cảm vì sự ra đi của cha, tiền bạc của mấy mẹ con cũng không còn nhiều bởi bao cuộc tìm kiếm anh và thăng trầm của cuộc đời. Con trai không thi đại học mà đã đi làm công nhân để có tiền giúp mẹ nuôi em. Nó chua chát khi cha nó khuyên nó thi đại học: “Học chi cho nhiều, có địa vị xã hội chi cho cao rồi cũng làm khổ vợ con”. Cha nó gằm mặt lặng im.
Tôi thương Dũng và yêu con nhưng tôi phải làm sao khi một-hai tháng nữa có thể tôi không nuôi nổi anh, còn con tôi cứ mỗi câu nói với ba nó lại như một nhát dao cứa vào tim tôi?
(Theo Phunuonline)