Ngày 25 tháng Tám năm 1991, sinh viên 21 tuổi người Phần Lan, Linus Torvalds thông báo trên internet về một dự án mà anh xem như "chỉ là một thú vui, không có gì to tát và chuyên nghiệp cả". Chưa đầy một tháng sau đó, Torvalds công bố cho mọi người nhân Linux. Kể từ sau đó, thế giới đã biến chuyển theo cách không ngờ được.Từ cách chúng ta tương tác với nhau hàng ngày cho đến việc chuẩn bị cho tương lai của loài người, Linux đang trở thành một phần trong quá trình phát triển công nghệ của chúng ta. Để kỷ niệm gần 28 năm ngày Linux ra mắt, hãy cùng nhìn lại cách mà nền tảng này đang góp phần thay đổi cơ bản cuộc sống của chúng ta.
Linux và internet
Thật khó tưởng tượng nổi cuộc sống chúng ta sẽ ra sao nếu không có internet. Đó là cách chúng ta liên lạc, cách chúng ta học và cách chúng ta biết về thế giới bên ngoài. Không cần phải nói internet là một trong những phát kiến quan trọng nhất của lịch sử loài người và ngày nay nó đang được vận hành nhờ Linux.
Các hệ điều hành nền Linux là sự lựa chọn số một cho các máy chủ trên toàn thế giới. Các máy chủ này chính là những cỗ máy giúp các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số và website của mỗi cá nhân hoặc công ty kết nối với internet. Cho dù đó là Google, Twitter, Facebook hay Amazon, thậm chí Apple, phần lớn các công ty đều sử dụng Linux dưới một dạng nào đó để vận hành doanh nghiệp của mình.
Thật khó chỉ ra chính xác có bao nhiêu máy chủ đang chạy bằng Linux. Vào năm 2015, công ty phân tích web và thị phần W3Cook ước tính có khoảng 96,4% máy chủ chạy Linux hoặc một trong các biến thể của nó. Không quan trọng con số chính xác như thế nào, không sai khi nói rằng nhân Linux đang làm nền tảng cho toàn bộ web ngày nay.
Máy tính trong túi quần, trên cổ tay và trên TV của bạn
Không chỉ là một thành phần cơ bản của internet, Linux còn thay đổi cách phần lớn chúng ta truy cập internet thông qua các smartphone Android. Được thành lập vào tháng Mười năm 2003, một nhóm các nhà phát triển đã tạo nên Android từ Linux để vận hành các máy ảnh kỹ thuật số của họ. Gần 16 năm sau, nó trở thành hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới, với việc hiện diện trên hơn 2 tỷ thiết bị.
Ngoài ra còn có Chrome OS, Android TV và Wear OS, tất cả đều được tạo nên từ Linux. Google không phải là người duy nhất làm điều đó. Hệ điều hành do Samsung tự phát triển, Tizen cũng được tạo nên từ Linux và thậm chí nó còn được tổ chức The Linux Foundation hậu thuẫn.
Thật đáng kinh ngạc khi ít nhất một trong nhiều thiết bị chúng ta dùng hàng ngày lại dùng một dạng nào đó của Linux. Đó có thể là Samsung Galaxy Note 10 hay OnePlus 7 Pro, sự tồn tại của chúng là nhờ có Linux.
Linux và ngành công nghiệp ô tô
Smartphone và các thiết bị tương tự đã trở nên quá phổ biến hiện nay. Không giống như chúng, ô tô tự lái và các thiết bị điện tử thông minh vẫn còn tương đối mới mẻ với ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Nhưng cũng giống như các thiết bị khác, phần lớn trong số chúng chạy trên Linux.
Tesla sử dụng Linux để làm phần mềm cho mỗi sản phẩm của họ. Năm 2018, ZDNet cho biết, Tesla còn phát hành code sản phẩm của mình, cho thấy nó được tinh chỉnh từ các phần mềm mã nguồn mở.
Không phải mỗi Tesla là người làm như vậy. Hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn như Honda, Mazda, Volkswagen và Mercedes-Benz đều dựa vào nền tảng Automotive Grade Linux để trang bị tính năng cho các ô tô kết nối của họ. Việc phổ biến rộng rãi tính năng kết nối được chuẩn hóa sẽ gần như không thể thực hiện được nếu không có nhân Linux.
Các siêu máy tính và những công cụ nghiên cứu
Các siêu máy tính đã có mặt từ những năm 1960. Nhưng cho dù chúng xuất hiện từ bao giờ, các siêu máy tính đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và gần như tất cả các máy tính đó đều sử dụng Linux.
Các siêu máy tính là những thiết bị điện toán mạnh nhất trên hành tinh này. Các nhà khoa học sử dụng chúng để nghiên cứu về cơ học lượng tử, dự báo thời tiết, và nghiên cứu phân tử. Vào năm 2017, toàn bộ 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới đều dùng Linux. Bên cạnh các siêu máy tính, các tổ chức như CERN, tổ chức nghiên cứu về hạt nhân của châu Âu, cũng dùng Linux cho việc nghiên cứu của mình.
Năm 2009, CERN ra mắt máy gia tốc hạt mạnh nhất và lớn nhất thế giới, Large Hadron Collider. Chiếc máy tính dùng để vận hành nó cũng dùng Linux và CERN sử dụng nó cho các nghiên cứu vật chất, năng lượng và cách thế giới hình thành.
NASA và SpaceX
Thậm chí Linux còn thay đổi cách chúng ta nghiên cứu vũ trụ. Vì các lý do tương tự như việc ô tô và siêu máy tính sử dụng Linux, NASA cũng sử dụng nó cho hầu hết các máy tính của mình trên trạm vũ trụ ISS. Các phi hành gia sử dụng những máy tính này để thực hiện nghiên cứu và các tác vụ liên quan đến nhiệm vụ của họ.
Nhưng NASA không phải là tổ chức nghiên cứu vũ trụ duy nhất dùng Linux. Công ty tên lửa tư nhân SpaceX cũng dùng Linux cho nhiều dự án của họ. Năm 2017, SpaceX gửi một siêu máy tính chạy Linux do HP phát triển lên không gian, và theo mục hỏi đáp AMA trên trang Reddit, ngay cả các tên lửa Dragon và Falcon 9 cũng dùng Linux.
Bạn có thể thấy, nhân Linux đã thay đổi cuộc sống của chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Nó là điều không thể thiếu cho việc liên lạc, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của chúng ta. Không có Linux, những quá trình phát triển này có thể bị kéo lùi lại nhiều năm nữa hoặc thậm chí khó có thể tồn tại.
Vì vậy, cảm ơn Linux vì đã mang chúng ta lại gần với nhau hơn trong suốt 28 năm qua, cả trên phương diện kỹ thuật số cũng như trong thực tế. Chúng ta đang hướng tới tương lai và Linux sẽ tiếp tục thay đổi cuộc sống của chúng ta nhiều hơn nữa.
Theo GenK
">