|
Không đảm bảo an toàn thông tin sẽ rất nguy hại
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều ngày 17/11/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ thông tin về một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Cùng với các vấn đề về quản lý mạng xã hội, xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cũng đã làm rõ thêm về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn, an ninh thông tin là một vấn đề rất lớn. Theo Phó thủ tướng, như nhiều đại biểu đã thống nhất, chúng ta không thể không ứng dụng CNTT nhưng nếu không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thì sẽ nguy hại vô cùng.
Phó Thủ tướng cho biết, xếp hạng về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Việt Nam đứng thứ 89 trên thế giới, thuộc nhóm trung bình. Tuy nhiên, về an toàn thông tin, chúng ta đứng trên 100, thuộc nhóm trung bình yếu. “Trong đó, đặc biệt lưu ý có những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì chúng ta thuộc loại yếu nhất trên thế giới”, Phó Thủ tướng nhận định.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện trên thế giới, cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích (APT) và có 4 mã độc được phát tán.
Một lần nữa lưu ý xếp hạng chung về an toàn thông tin của Việt Nam đứng khoảng thứ Việt Nam song có một vài chỉ số đứng cuối cùng trên thế giới, Phó Thủ tướng cho hay, đó là chỉ số phát tán thư rác từ Việt Nam. Cụ thể, theo thống kê, cứ một giờ có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% số đó là thư rác và trong đó nhiều thư chứa mã độc. Và cứ 100 thư rác trên thế giới thì Việt Nam chiếm 11,17%; Trung Quốc chiếm 12,4%; Mỹ chiếm 8,5%. Nhưng nếu tính theo số người thì Việt Nam đứng số 1 về phát tán thư rác, gấp 13,4 lần Trung Quốc và gấp xấp xỉ 8 lần so với Mỹ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ, tỷ lệ lây nhiễm mã độc từ các thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng cao nhất thế giới. Theo đánh giá tại thời điểm cuối năm 2016, Việt Nam có 71,38% thiết bị bị lây nhiễm mã độc. “Khi phỏng vấn người dân Việt Nam, các hãng nước ngoài vào phỏng vấn, ở các nước 60% số người được phỏng vấn nhận ra nguy cơ từ các thiết bị và chính bản thân cá nhân mình gây ra; ở Việt Nam chỉ có 11% nhận ra nguy cơ đó. Về máy tính cá nhân của từng người dân chúng ta cũng nhiễm cao nhất. Chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc so với tỷ lệ trung bình trên thế giới là 19%”, Phó Thủ tướng nêu.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng nêu trên, Phó Thủ tướng cho biết, đầu tiên là do chúng ta chưa nhận thức rõ nguy cơ của mất an toàn, an ninh thông tin. Nhận định đây là vấn đề chung từ tổ chức đến cá nhân, theo Phó Thủ tướng, điều này được thể hiện ở 2 chỉ số rất cụ thể: ở các nước, người ta khảo sát cả tổ chức gồm có Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, cứ đầu tư cho CNTT 100 đồng thì họ đầu tư từ 15 - 21 đồng cho an toàn, an ninh thông tin. Ở Việt Nam theo khảo sát của Bộ TT&TT, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam thì chúng ta khoảng 5%.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho hay, như Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nói, lực lượng chuyên được đào tạo kiến thức về an toàn an ninh thông tin sâu là rất ít. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 500 cán bộ chuyên trách chính thức về an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong khi con số này ở Trung Quốc là 40.000. Các số liệu ở Mỹ và Đức là khác nhau nhưng đều từ 15.000 - 20.000 người.
">