|
Apple là người tiên phong, nhưng không phải nguyên nhân cái chết của Windows Phone
Apple là người đi tiên phong và đã thay đổi cả thế giới thiết bị cầm tay, nhưng sau vài năm iPhone tung hoành, chính Google là công ty đã sớm nhìn ra được một cơ hội khổng lồ để trở thành lựa chọn thay thế cho iPhone cũng như có khả năng thống trị thị phần. Chính Google đã nhanh tay nắm lấy cơ hội đó, không phải Microsoft.
Tại thời điểm iPhone ra mắt, tất cả chúng ta đều không ngờ rằng 10 năm sau iPhone sẽ thống trị thế giới như ngày hôm nay. Sự thực là các vị CEO của các hãng điện thoại đình đám thời bấy giờ cũng đã buông lời “chế nhạo” chiếc iPhone. Jim Balsillie, CEO BlackBerry đã nói: “Để mà cho rằng nó sẽ khiến BlackBerry chao đảo 180 độ, tôi nghĩ đã quá lời rồi”. CEO của Palm, ông Ed Colligan nói: người sử dụng PC sẽ không thể hiểu được cách hoạt động của nó đâu, họ sẽ không thể cầm lên và dùng được thiết bị đó ngay”. Và cuối cùng là CEO Steve Ballmer của Microsoft: “Nó không phải món hàng đủ hấp dẫn với các doanh nhân vì nó không có bàn phím vật lý”.
Sau lời phát biểu của chính mình, tất cả các vị CEO trên đều đã cố gắng (và đã thất bại) trong việc đưa ra câu trả lời bằng sản phẩm thích hợp để đấu chọi lại iPhone. BlackBerry tiếp tục chắp vá hệ điều hành lỗi thời của mình và cố gắng biến cả màn hình điện thoại thành một nút bấm khổng lồ. Palm tuy đã có những thành công nhất định với webOS nhưng lại không thể thương lượng được hợp đồng nào với các nhà mạng, cũng như làm ra được các sản phẩm đủ tốt để người tiêu dùng muốn mua.
Microsoft đã đáp lại bằng Windows 6.5, bản hack của một hệ điều hành cũ kỹ vốn không được thiết kế cho màn hình cảm ứng. Thế rồi Windows Phone 7 ra đời, và đó là một sự trở lại đáng ngưỡng mộ với những ý tưởng thiết kế mới toanh không “đụng hàng”. Tiếc rằng, nó đến quá muộn và đã sụp đổ. Windows Phone 8 đảm nhận từ tay Windows Phone 7 một trách nhiệm không hề dễ dàng và đã phá hỏng mọi thứ khi làm buồn lòng cộng đồng người hâm mộ vì dừng cập nhật.
Một điều nữa đáng nhắc tới: Microsoft đã mua lại Nokia và làm bốc hơi một thương hiệu lão làng đáng tin cậy của làng di động. Giờ đây nhắc tới Nokia khó có ai mà nhớ ra được những điện thoại đầu bảng của hãng, có chăng chỉ là những chiếc điện thoại giá rẻ màn hình đen trắng mọi người vẫn gọi vui là “cục gạch”.
Google khi đó sợ Microsoft chứ không phải là Apple
Ý tưởng lúc đó Google sợ Microsoft nghe có vẻ điên rồ, nhất là tại thời điểm này, khi mà Android chiếm hơn 90% thị phần di động. Nhưng đó là sự thật. Trong một bài phỏng vấn, cựu CEO Google, ông Eric Schmidt đã cho biết: “Tại thời điểm đó, chúng tôi khá e dè các sản phẩm của Microsoft. Thật khó mà tưởng tượng được điều đó lúc này, nhưng tại thời điểm đó, chúng tôi nghĩ rằng chiến lược mảng di động của Microsoft rất thành công. Hồi đó còn có một tay chơi khét tiếng chúng tôi cũng rất sợ đó là Nokia với hệ điều hành Symbian của họ”.
">