|
Tin nhắn spam trên iMessage có dấu hiệu lừa đảo về việc giới thiệu công việc đa cấp. (Ảnh: VNCERT/CC) |
Cụ thể, VNCERT/CC cho hay, sau một thời gian tạm lắng, thời gian cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vấn nạn tin nhắn spam trên iMessage bắt đầu quay trở lại và làm phiền không ít người dùng iPhone. Nếu như trước đây, nội dung những tin nhắn này thường xoay quanh việc quảng cáo đánh bạc, chơi bài trực tuyến, rút tiền tỷ thì giờ đây nhiều người dùng lên tiếng về việc nhận được quá nhiều những tin nhắn spam giới thiệu công việc đa cấp.
Nội dung các tin nhắn spam trên iMessage đa phần giống nhau. Các lời mời gọi đánh vào tâm lý thời gian cận Tết, nhiều người sẽ có nhu cầu làm thêm để có tiền mua sắm. Các đối tượng gửi tin nhắn đã đưa mức lương cao ngất ngưởng lên đến 36 triệu đồng/tháng để dụ người dùng quan tâm đến công việc đa cấp mà chúng giới thiệu. Thậm chí các đối tượng còn khẳng định trong tin nhắn về việc đảm bảo mỗi ngày làm nhận được ít nhất 800.000 đồng.
Theo phân tích của các chuyên gia VNCERT/CC, với những ai vốn đề cao cảnh giác thì tin nhắn chỉ làm cho họ thấy phiền phức. Tuy nhiên, đối với những người dễ tin, những dòng tin nhắn spam giới thiệu công việc này lại khiến họ dễ “đâm đầu” vào đường dây đa cấp với quy mô lớn.
Thực tế, với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà, lương cao, không ít người bị vướng vào những công việc đa cấp. Khi người dân chủ động liên lạc với những số điện thoại Zalo được cung cấp, một vài tài khoản đã bị Zalo khoá do nghi ngờ lừa đảo.
|
Người dùng có thể sử dụng tính năng “Lọc người gửi không xác định” để chặn tin nhắn spam trên iMessage. |
Cách xử lý tin nhắn spam trên iMessage là người dùng có thể sử dụng tính năng “Lọc người gửi không xác định”. Truy cập vào phần Settings (Cài đặt) / Messages (Tin nhắn), sau đó kích hoạt ON ở tùy chọn Filter Unknown Senders (lọc người gửi không xác định).
“Sau khi bật tính năng này, iMessage sẽ không hiển thị thông báo và chuyển tin nhắn của những người gửi không nằm trong danh bạ vào một thư mục riêng biệt. Tính năng này cơ bản không thể ngăn chặn việc nhận các tin nhắn này mà chỉ phần nào giúp giảm bớt phiền toái cho người dùng”, Trung tâm VNCERT/CC thông tin thêm.
Trung tâm VNCERT/CC cũng khuyến nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác, thận trọng với tin nhắn spam mời gọi làm việc, đầu tư kiếm tiền trong thời gian giáp Tết Nguyên đán, tương tự như những tin nhắn trên để tránh “tiền mất tật mang”.
Liên quan đến việc đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các dịp nghỉ Tết năm nay, ngày 30/12/2021, Bộ TT&TT đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và các tổ chức tài chính, ngân hàng triển khai một số nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác này.
Bởi lẽ, theo nhận định của Bộ TT&TT, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu làm việc, hoạt động trên mạng gia tăng, dẫn đến nguy cơ tấn công mạng ngày càng lớn với quy mô phức tạp và khó lường. Đặc biệt, trong các dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các đối tượng lợi dụng sự lơ là để tấn công, phát tán thông tin xấu độc.
Vân Anh
Áp dụng biện pháp kỹ thuật mức cao nhất để ngăn chặn tấn công mạng dịp Tết 2022
Đó là một trong những yêu cầu của Bộ TT&TT với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số, nền tảng chống dịch nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng dịp Tết năm 2022.
">