|
Vũ khí” đặc biệt của Viettel khi xin giấy phép viễn thông ở nước ngoài
Năm 2006, khi mới kinh doanh di động được 3 năm và chưa giữ vị thế số 1 ở Việt Nam nhưng Viettel đã đi tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài trong khi viễn thông trong nước vẫn còn là mảnh đất màu mỡ. Lúc đó ban lãnh đạo nghĩ gì về khả năng thành công khi mình cũng chưa có kinh nghiệm gì và tiềm lực chưa mạnh?
Chúng tôi nghĩ rằng, thị trường nào rồi cũng đến lúc bão hòa và nếu muốn phát triển tiếp thì cần tìm ra thị trường mới. Đây là bài học của những "ông lớn" di động thế giới như Vodafone hay Telefónica. Tại Việt Nam, Viettel chưa phải là số 1 lúc đó nhưng đã thấy cơ hội thành công nên cần chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo. Năm 2006, chúng tôi cũng nhận được một cơ hội tìm hiểu đầu tư tại Campuchia nên sang nghiên cứu thị trường đầu tiên dù lúc đó chưa hình thành rõ ràng chiến lược về kinh doanh ở nước ngoài. Sau khi đi rồi chúng tôi nhận thức được rõ ràng hơn nhiều lợi ích của việc ra toàn cầu.
Cụ thể những lợi ích đó là gì, thưa ông?
Đầu tiên là khả năng cạnh tranh. Hơn 10 năm trước, cạnh tranh trên thị trường viễn thông di động ở Việt Nam chưa mạnh lắm. Chúng ta nghe tiếng các "ông lớn" thế giới như Vodafone, Telefónica, Oranges, Claro hay Milicom… chứ không nghĩ sau này Viettel sẽ cạnh tranh sòng phẳng với họ ở thị trường nước ngoài. Việc kinh doanh tại các thị trường nước ngoài và cạnh tranh với những công ty hàng đầu thế giới giúp Viettel học được rất nhiều và có thêm kinh nghiệm để về gây dựng tại thị trường Việt Nam.
Nhờ việc mở rộng đầu tư ra nhiều quốc gia, việc mua thiết bị trở nên dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều so với trước bởi chúng tôi đặt mua với số lượng rất lớn để lắp đặt cho tất cả thị trường của mình. Điều này trở thành một lợi thế của Viettel trong kinh doanh khi mà chi phí đầu tư thấp hơn so với các doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, sau thời gian dài đầu tư, chúng tôi nhận thấy thị trường nước ngoài chính là môi trường đào tạo tốt nhất. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi nhận thấy những cán bộ được gửi sang làm việc tại Campuchia đều trở về với phong thái chững chạc và tự tin hơn rất nhiều. Việc tự bươn trải giúp các lãnh đạo trẻ tin tưởng vào bản thân cũng như có khả năng lãnh đạo tốt hơn. Sự trưởng thành từ đi thị trường nước ngoài giúp Viettel có được nhiều lãnh đạo trẻ có năng lực.
Một lợi ích khác đó là Viettel cũng giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở các quốc gia mà chúng tôi đến đầu tư. Nếu các bạn đến Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Burundi… thì có thể thấy rõ điều này. Việc tạo dựng dự án kinh doanh, mối quan hệ hữu hảo với các nước bạn cũng phục vụ cho mục tiêu bảo vệ tổ quốc từ xa.
Lợi ích cũng rất quan trọng mà chúng tôi nhận ra, thị trường chính là yếu tố quyết định sự thành công trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Với việc đầu tư ra 10 nước, chúng tôi có một thị trường hơn 200 triệu dân. Bởi vậy, chúng tôi tự tin bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất.
Sau Lào, Campuchia, tại sao Viettel vẫn quyết đầu tư vào Haiti - quốc gia nhỏ bé nằm ở bên kia địa cầu, lại vừa trải qua thảm họa động đất khủng khiếp nhất lịch sử khiến 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy và hơn 300.000 người chết?
Haiti là một thị trường đặc biệt. Thực ra, trước đó, chúng tôi muốn đầu tư vào Cuba nhưng phía bạn chưa sẵn sàng mở cửa viễn thông. Tuy nhiên, Cuba rất thân với các nước trong vùng Caribe nên đóng vai trò cầu nối trong việc dẫn Viettel tới Haiti. Lúc đó, quốc gia 10 triệu dân này chỉ có 2 nhà mạng và một nhà mạng sắp bị thôn tính.
Với kinh nghiệm của mình, khi đầu tư vào một thị trường, chúng tôi luôn sẵn sàng đối phó với ít nhất 3 công ty viễn thông. Ở Haiit lúc ấy chỉ có 2. Như vậy, mức độ cạnh tranh ở Haiti quá thuận lợi. Bên cạnh đó, thành công ở các nước Đông Dương giúp chúng tôi tự tin hơn.
Song Haiti vẫn được coi là thuốc thử vì nằm ngoài khu vực châu Á. Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng thị trường này đánh dấu sự áp sát của Viettel với nước Mỹ. Trên thực tế, việc gần Mỹ lại tạo thuận lợi cho cơ hội phát triển của Viettel vì kinh tế Haiti phụ thuộc nhiều vào lượng kiều hối mà 2 triệu người di cư gửi về và họ gọi điện về nước cũng rất nhiều.
Ngoài ra, chính phủ Haiti cũng sang Việt Nam, đề nghị giúp đỡ và rất mong muốn Viettel đầu tư. Sau trận động đất lịch sử phá huỷ gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của Haiti, chính phủ nước này khẩn thiết mong phía Việt Nam giúp đỡ để khôi phục cơ sở hạ tầng viễn thông. Vì thế, chúng tôi càng quyết tâm hơn. Thực tế sau đó cho thấy, chúng tôi có lãi rất nhanh ở thị trường này dù trước đó mọi người đều cho rằng Haiti quá khó khăn.
Khi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, ông đưa ra những điều kiện đặc biệt gì để thuyết phục chính phủ các nước cấp giấy phép đầu tư?
Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng tôi chứng minh với chính phủ quốc gia muốn xin giấy phép là sự có mặt của Viettel sẽ giúp nâng tầm nền viễn thông của họ chứ không chỉ với mục đích kinh doanh. Bao giờ chúng tôi cũng cam kết phủ sóng 95% dân số bao gồm cả các vùng sâu, vùng xa nghèo nàn, lạc hậu, với công nghệ cao (triển khai cáp quang, băng rộng chứ không dùng viba) nhằm đảm bảo tốc độ đường truyền cũng như chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Viettel cũng triển khai nhiều chương trình xã hội về giáo dục, y tế hỗ trợ người dân địa phương hoặc giúp xây dựng chính phủ điện tử… những cái mà bất kỳ Chính phủ nào cũng cần trong hoạt động điều hành và giúp an sinh xã hội.
Khi chúng tôi khai trương ở Mozambique, nước này có luôn hơn 20.000 km cáp quang, lập tức đứng thứ 3 trong khu vực. Tại Campuchia, trước khi Viettel vào đầu tư, cả đất nước có 600 km cáp quang nhưng chỉ sau 1 năm, chúng tôi đã xây dựng 15.000 km cáp quang.
Peru là bước đệm để tiến vào châu Âu
Tại Peru, đất nước có nền kinh tế cũng như viễn thông phát triển hơn rất nhiều so với Việt Nam thì Viettel dùng cách gì để nhận được giấy phép bởi đâu thể “nâng tầm nền viễn thông” như đã làm ở các nước nghèo?
Ở Peru, chúng tôi có sự may mắn. Hai nhà mạng lớn nhất đã kinh doanh ở quốc gia Nam Mỹ hàng chục năm là Telefónica và Claro nhưng không chịu phủ sóng di động tại vùng sâu, vùng xa. Chính phủ Peru ra đề bài thầu cho giấy phép viễn thông miễn phí với điều kiện quan trọng là phải cam kết phủ sóng vùng sâu vùng xa. Chúng tôi tham gia đấu thầu và giành thắng lợi vì cái này là sở trường của Viettel.
Tại sao Viettel không chọn một quốc gia khác mà lại là Peru với mật độ điện thoại di động đã lớn hơn 100% và trình độ phát triển kinh tế cũng như dịch vụ viễn thông cũng cao hơn Việt Nam?
">