|
Nằm gần con phố mua sắm sầm uất Jiefangbei Pedestrian của Trùng Khánh, Công viên Nhân dân Trùng Khánh có diện tích chỉ 1,2 ha với tuổi đời hơn 100 năm.
Mặc dù có ít điểm tham quan, nơi này nối nửa trên và nửa dưới của thành phố, với những con đường uốn khúc và bậc đá đan chéo nhau.
Ở đây cũng có khu vực mai mối, được truyền thông mô tả là “góc tình yêu mới nhất trong công viên” của Trung Quốc, theoZaobao.
Trước đây, góc mai mối Trùng Khánh được đặt tại điểm thu hút khách du lịch Hongyadong trong hơn một thập kỷ. Việc tiếp cận khu vực này trong 3 năm qua bị hạn chế do dịch Covid-19.
Vì vậy, góc mai mối được chuyển đến Công viên Nhân dân Trùng Khánh vào nửa cuối năm 2022.
Vào cuối tuần, các bậc phụ huynh đổ xô đến công viên từ sáng sớm, dành thời gian xem xét thông tin cá nhân của những người độc thân được trưng bày ở nhiều góc để không bỏ lỡ bất kỳ bạn tình tiềm năng nào cho con cái.
Trớ trêu thay, thường có rất ít người trẻ tuổi trong đám đông.
Giúp con “thoát ế”
Những người mai mối hoạt động ở công viên cho biết kể từ khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng, nhu cầu tăng đột biến. Nhiều ông bố, bà mẹ ở Trùng Khánh tới đây tìm bạn đời cho con.
Liu Jun, bà mối 60 tuổi, nói: “Nhiều ông bố, bà mẹ tích cực giúp con cái tìm bạn đời vì thông cảm với khối lượng công việc và sự căng thẳng của thế hệ trẻ”.
Vào một ngày oi ả, Shen Zaicheng (50 tuổi) bất chấp nắng nóng để tìm đối tượng phù hợp cho con trai, nhưng thất vọng sau khi lướt qua “biển” thông tin cá nhân. Trên thực tế, ông lui tới góc này hơn một tháng nay.
Shen và gia đình sống ở khu Jiefangbei của Trùng Khánh 20 năm. Dù ở góc mai mối có rất nhiều cô gái có thể phù hợp với con trai ông, gia đình họ lại đòi hỏi quá khắt khe.
“Họ không chỉ nhìn vào học vấn và công việc của người đàn ông, mà còn muốn cậu ta có nhà lầu, xe hơi, ý chí phấn đấu và giá trị sống đúng đắn, cao ráo, đẹp trai…”, ông than thở.
Hầu hết “quảng cáo” của người độc thân được trưng bày tại góc mai mối đều do cha mẹ trả tiền, với thông tin về chiều cao, cân nặng, nghề nghiệp, thu nhập, trình độ học vấn và yêu cầu về đối tác tiềm năng được liệt kê rõ ràng. Chi tiết liên lạc cũng được cung cấp.
Nhiều phụ huynh than thở góc mai mối giống như “đại siêu thị” và họ phải cố gắng “vượt mặt” các ông bố, bà mẹ khác. Đó cũng là mô hình thu nhỏ của sự phân chia kinh tế xã hội.
|
Người mai mối ở góc mai mối Trùng Khánh mời các bậc phụ huynh quét mã QR để tham gia nhóm WeChat, mở rộng mối quan hệ sang các nền tảng xã hội (trái). Ảnh:Edwin Ong/SPH. |
Shen nói rằng cha mẹ ở góc mai mối là người gác cổng cho lựa chọn bạn đời của con cái. Họ sẽ gọi điện thoại hoặc WeChat trong nửa tháng để tìm hiểu mọi thứ có thể về đối phương và kiểm tra kỹ lưỡng tính xác thực của thông tin được quảng cáo, ví như tài sản, trình độ học vấn, công việc.
Buổi hẹn xem mắt giữa những người trẻ tuổi chỉ có thể được sắp xếp sau khi xác minh thỏa đáng.
Vì gia đình không khá giả, Shen nói rằng ông không dám tiếp cận gia đình của các cô gái.
“Chúng tôi không đáp ứng được tiêu chí của họ. Vì vậy, có mở lời cũng vô nghĩa”, ông kể.
Kết quả từ cuộc Tổng điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 của Trung Quốc được công bố tháng 5/2021 cho thấy nam giới trong độ tuổi 20-40 nhiều hơn 17,52 triệu người so với nữ giới. Điều này cho thấy sự mất cân bằng giữa những người trong độ tuổi kết hôn và phụ nữ nắm giữ lợi thế khi lựa chọn bạn đời.
Trong hầu hết gia đình ở Trùng Khánh, theo truyền thống, người phụ nữ nắm giữ hầu bao và có tiếng nói quyết định, khiến đàn ông trở thành “phái yếu”.
Shen nói rằng do có quá nhiều nam giới đến tuổi kết hôn hơn phụ nữ, việc gia đình nhà trai phải nịnh bợ nhà gái thường xảy ra nhiều hơn.
“Nếu có bằng cử nhân, một cô gái sẽ muốn nửa kia có học vấn cao hơn. Nếu kiếm được mức lương 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD), cô ấy chọn yêu người kiếm được nhiều hơn thế”, ông nói, nhấn mạnh sự bất bình đẳng trong tiêu chí hẹn hò.
Cơ hội mong manh
Shen cũng quan sát thấy những thanh niên có công việc ổn định, thu nhập cao, nhà riêng và ôtô vẫn được ưa chuộng ở góc mai mối.
“Ngay cả khi đẹp trai và cao 1,8 m, một chàng trai vẫn không được lựa chọn nếu công việc bấp bênh, không có tiền tiết kiệm và nhà riêng. Các cô gái thậm chí sẽ không thèm ngó ngàng vì cậu ta không làm cho họ cảm thấy an toàn”, ông nói.
Shen than thở rằng “cơ hội mai mối thành công rất thấp, thậm chí không đến 10%. 99,99% người ở đó rất thực dụng, chỉ nhìn vào tiền”.
Chen Zihan, bà mối 32 tuổi ở Trùng Khánh, đồng tình rằng cơ hội thành công ở góc mai mối là “không cao lắm”. Cô chỉ ra rằng ngày nay, giới trẻ nhìn chung không mặn mà với hôn nhân. Khá nhiều người chỉ đến các buổi mai mối vì hiếu kỳ.
Theo Chen, người trẻ ở Trùng Khánh đến tuổi kết hôn được chia thành 3 loại: nhóm có thể tự nuôi sống bản thân và khao khát tự do; nhóm không thể nuôi sống bản thân, nói gì đến gia đình; nhóm cảm thấy họ xuất thân từ gia đình khá giả và đặt ra những yêu cầu không thực tế cho đối phương.
Chen quan sát thấy rằng trong khi những người ở nhóm thứ 2 muốn ổn định cuộc sống và lập gia đình, họ thường thiếu điều kiện vật chất và không thể làm được điều đó.
Cô chỉ ra rằng ngày nay, phụ nữ Trùng Khánh kén chọn bạn đời hơn nam giới. Họ muốn những người đàn ông “phục tùng họ”, vì vậy “khó tìm được người phù hợp hơn vì đòi hỏi cao hơn”.
|
Góc mai mối Trùng Khánh của Trung Quốc được chuyển từ Hongyadong đến Công viên Nhân dân Trùng Khánh. Ảnh:Edwin Ong/SPH. |
Dù tỷ lệ thành công không cao, Shen vẫn trông chờ vào “cơ hội duy nhất” này để tìm vợ cho con trai vì cả nhà đều không có mối quan hệ xã hội lớn.
Yu Ping (ngoài 50 tuổi) thay mặt con trai đến góc mai mối. Con trai bà cao gần 1,8 m và khá đẹp trai, nhưng gia đình không khá giả. Họ thuê nhà và không sở hữu bất động sản, xe hơi. Ngay cả khi con trai muốn kết hôn và lập gia đình, họ cũng không thể sắm sửa.
Yu nói hơn 3 năm xảy ra đại dịch khiến cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn. Nhiều công ty tước bỏ phần thưởng tiền mặt và quà cho nhân viên vào các dịp lễ, Tết để giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt. Tác động kinh tế đối với người trẻ tuổi là đáng kể.
Những ông mai, bà mối cũng như phụ huynh ở góc mai mối tiết lộ mức lương mà những người trẻ tuổi ở Trùng Khánh kiếm được thường ở mức thấp, chỉ 4.000-6.000 nhân dân tệ/tháng. Rất ít người trong số họ kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ/tháng.
Nhiều thanh niên làm việc ở trung tâm thành phố Trùng Khánh phải thuê nhà trọ. Với giá thuê rẻ nhất trên thị trường khoảng 1.000 nhân dân tệ/tháng, họ cần phải thận trọng phân bổ thu nhập còn lại hàng tháng cho các nhu yếu phẩm hàng ngày, thực phẩm, hàng tạp hóa, tiện ích và phương tiện đi lại.
Gu Jia (ở độ tuổi 30) đang phải đối mặt với áp lực kết hôn lớn từ gia đình. Cô là một trong số ít người trẻ tuổi ở góc mai mối. Cô cho rằng có nhiều yếu tố ngăn cản người trẻ lập gia đình.
“Mọi thứ ngày càng đắt đỏ mà lương thì bấp bênh, không nuôi nổi gia đình. Tôi hầu như không thể lo được cho chính mình”.
Gu chỉ ra rằng triển vọng tồi tệ của thị trường lao động có nghĩa là những người trẻ tuổi không có nhiều hy vọng về việc tăng lương.
“Không phải giới trẻ không muốn kết hôn, chỉ là chúng tôi không thể đủ khả năng”, cô nói.
|
Cứ mỗi cuối tuần, một nhóm lớn các bậc cha mẹ lại đổ xô đi tìm bạn đời cho con cái của họ. Ảnh:Edwin Ong/SPH. |
Tan Gangqiang, người đứng đầu trung tâm tư vấn tâm lý ở Trùng Khánh, nói rằng những điều kiện bên ngoài không thuận lợi hiện nay ngăn cản những người trẻ tuổi kết hôn vì trước tiên họ cần phải tự lo cho mình.
Giới trẻ có thể thay đổi công việc và địa điểm làm việc thường xuyên hơn hoặc có thể lựa chọn học lên cao hơn để nâng cấp bản thân. Đây là tất cả trở ngại chính để ổn định với một gia đình.
Bên cạnh đó, Gu thú nhận rằng cô sợ hôn nhân vì tỷ lệ ly hôn cao ở Trung Quốc cùng với tác động của các vụ ly hôn gây chấn động của ngôi sao nổi tiếng khiến nhiều người thuộc thế hệ của cô mất niềm tin vào hôn nhân.
“Ngay cả những người yêu nhau sâu đậm cũng phải ly dị nhau”, cô nói.
Thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc cho thấy tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc tăng cao trong hai thập kỷ qua, từ 1,05% (năm 2003) lên hơn 3% (năm 2020). Trên thực tế, cuộc khảo sát hôn nhân quốc gia năm 2020 cho thấy tỷ lệ ly hôn giữa những người sinh sau năm 1990 cao tới 56,7%.
Hơn nữa, Gu chỉ ra rằng hôn nhân thất bại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ.
“Họ không chỉ mất đi tuổi trẻ, tệ nhất là có thể phải một mình nuôi con sau khi ly hôn. Tôi nhận thấy phụ nữ lỡ dở hôn nhân có con cảm thấy khó tái hôn. Trên thực tế, họ có thể bị xa lánh và coi thường trong quá trình mai mối. Ngay cả những anh chàng không nổi bật cũng sẽ từ chối phụ nữ ly hôn và có con riêng”, cô nói.
Gu cảm thấy việc những người trẻ tuổi không muốn kết hôn là vấn đề nghiêm trọng hơn già hóa dân số trong bối cảnh khủng hoảng dân số ở Trung Quốc.
Gần đây, một số chính quyền địa phương đưa ra các chính sách mới để đảm bảo rằng trẻ em sinh ra ngoài giá thú cũng được nhà nước bảo vệ tương tự, điều này sẽ tác động đến thể chế hôn nhân.
“Thành thật mà nói nếu điều này trở thành tiêu chuẩn trên toàn quốc, tỷ lệ kết hôn có thể giảm hơn nữa vì nó khiến chúng tôi sợ hãi”, cô nói.
Chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ khó khăn là loại bỏ các rào cản và thuyết phục các cặp đôi trẻ Trung Quốc bước vào lễ đường trong tương lai gần.
Và góc mai mối Trùng Khánh sẽ tiếp tục chứng kiến cảnh các bậc phụ huynh lo lắng và mong mỏi trong thời gian tới.
Theo Zing
Không đủ tiền sính lễ, chàng trai huỷ đám cưới với bạn gái yêu 8 năm
TRUNG QUỐC - Chàng trai buộc phải chia tay bạn gái lâu năm sau khi bố mẹ cô đòi tiền sính lễ 380.000 tệ (hơn 1,2 tỷ đồng), gần gấp đôi mức giá ở địa phương.">