Nhiều trẻ gặp bất ổn ngay trong gia đình (Ảnh minh họa).
Người mẹ trải lòng, vợ chồng chị có hai cậu con trai, cậu em dễ nuôi, dễ chịu bao nhiêu thì cậu anh bướng bỉnh, trái nết bấy nhiêu. Chị hiểu con cá tính, luôn muốn bảo vệ bản thân nên dễ đụng độ, gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng, bố và nhiều người thân trong gia đình như ông bà, cô chú "ác cảm" với cháu, luôn cho rằng cháu hư, nghịch, khó dạy...
Chồng chị thường xuyên chê bai, mắng mỏ con lớn với những lời lẽ rất khó nghe, đưa cậu bé ra so sánh với em trai, than thở "làm anh mà không được một phần em". Quan hệ hai bố con rất tệ, bố thất vọng về con, con uất ức với bố.
Bình thường, quan hệ hai bố con đã không mấy khi vui vẻ, trong thời gian phải ở nhà suốt mấy tháng vì dịch bệnh thì những va chạm thật sự bùng nổ. Con nghỉ học, bố mẹ ở nhà nhiều, đụng mặt nhau nhiều nên xung đột liên tục xảy ra.
Chồng chị khắt khe, áp đặt con phải thế này thế nọ, xưng "mày - tao" với đứa con nhỏ 11 tuổi. Còn con, cậu bé cũng cãi lại... Nhiều lần, mâu thuẫn của hai cha con kết thúc bằng những cái bạt tai của bố hoặc những tiếng quát thét, xỉ vả "tao không đẻ ra loại con này". Cháu hét vào mặt bố, nói ghét bố đủ kiểu.
Là vợ, là mẹ, chị Th. vô cùng bế tắc. Chị động viên, trò chuyện, mong con thông cảm cho bố nhưng không có nhiều tác dụng, cậu bé ghét bố và đặc biệt... ghét luôn cả em trai.
Chị bất lực không thể nào tìm được tiếng nói chung với chồng trong việc dạy con. Chồng chị bảo thủ, gạt hết mọi góp ý. Mặc cho chị chia sẻ, cá tính cộng thêm lứa tuổi đang có nhiều xáo trộn tâm lý của con có những khó khăn, cần "nắn dần", chồng chị nếu không quát mắng thì cũng quay sang mỉa mai, nói mẹ dạy con hư.
Với thái độ bất hợp tác của chồng, chị không biết làm cách nào để "cứu" con. Chị hoảng loạn khi nhìn thấy rõ những khủng hoảng, bất ổn của cậu bé vì nhiều tháng giam mình trong nhà.
Mới đây, hai bố con cãi vã, chồng chị bật ra câu nói độc địa "mày chết đi cho tao, tao chỉ có một đứa con thôi", cậu con cả đóng cửa một ngày trong phòng, không ra ngoài, không ăn không uống. Đến khuya, chị Th. mới dỗ được con ra ngoài, trò chuyện...
Lúc mẹ con ngồi thủ thỉ dưới bếp, cậu bé bất ngờ chạy lại lấy con dao gọt hoa quả, hai tay cầm dao, đưa ra phía trước mắt, vừa khóc vừa run rẩy: "Con ghét bố, con ghét em, mẹ ơi! Con không muốn sinh ra trong cuộc đời này". Chị Th. nhìn ánh mắt tức giận, uất ức của con sẫm lại trong tranh sáng tranh tối mà không khỏi rùng mình. Chị ôm chặt lấy con, hai mẹ con cùng khóc!
Quan hệ vợ chồng đã nhợt nhạt lâu nay, ở nhà nhiều đụng mặt nhiều, lại thêm vấn đề của con nên càng căng thẳng, nhiều đêm chị Th. nằm khóc, nghĩ đến việc ly hôn để con thoát được cuộc sống trong cảnh xung đột với bố.
Hoảng loạn không kém, chị Trần Thị Hà, ở Thủ Đức, TPHCM kể, chị vừa trải qua phen hết hồn hết vía khi cô con gái 8 tuổi tiết lộ "có khi con rất ghét mẹ, con muốn giết mẹ". Con bé vốn rất tình cảm nên chị không thể tưởng tượng nổi con có suy nghĩ đó, lời nói đó...
Người mẹ thừa nhận, vợ chồng chị bộn bề công việc, hai con nhốt mình trong nhà hơn nửa năm nay, không được chăm sóc đầy đủ.
Các cháu gắt gỏng, quấy, ăn ngủ rất khó khăn. Vừa chăm con vừa làm việc, chị mệt mỏi, căng thẳng nên cũng hay quát mắng, cáu gắt, có khi thiếu kiềm chế đánh con.
Trẻ "xả" được là... còn may!
Tại hội nghị "Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ em do tác động của dịch bệnh Covid-19" do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phương Thảo - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Sức khỏe Tâm lý y học, ĐH Y Dược TPHCM chia sẻ, có những bệnh nhân bà đang hỗ trợ điều trị tâm lý học lớp 8, lớp 9. Các cháu "nuôi hận" rất khủng khiếp với bố mẹ, các phụ huynh thì chỉ biết khóc hết nước mắt.
Theo bác sĩ Thảo, trẻ gặp khó khăn về tâm lý sẽ có hai biểu hiện, có em thu mình lại, cũng có những em bộc ra bên ngoài bằng lời nói, hành vi.
"Khi các em xả ra, nói ra được là còn may. Trẻ bị dồn đọng bức xúc, tâm tư, tự chịu đựng, không bộc lộ còn nguy hiểm hơn nhiều, sau này có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu. Lúc này, cha mẹ rất cần hiểu hành vi của trẻ không phải là bản chất của con mà là biểu hiện cho thấy con đang gặp khó khăn, cần được thông cảm, giúp đỡ", bác sĩ Phạm Phương Thảo khuyến cáo.
Bác sĩ Phạm Phương Thảo lưu ý, tình trạng cách ly, "đóng cửa" vì Covid-19 tác động vô cùng nguy hiểm lên trẻ em, thanh thiếu niên với những hậu quả bất lợi lâu dài. Các em mất kết nối bên ngoài, mất khung cảnh trường học, mất tương tác, thiếu vận động...
Và đặc biệt, trẻ phải đối mặt với nguy cơ tăng cao bị bạo hành ngay trong gia đình, trở thành nạn nhân của bạo lực ngay trong gia đình. Bao nhiêu khó khăn, bế tắc, khủng hoảng lúc này, người lớn có xu hướng trút lên trẻ nhỏ.
Đại dịch Covid-19 tràn qua, mọi cảnh cửa với thế giới bên ngoài của trẻ khép lại, lúc này chỉ còn môi trường gia đình. Ngôi nhà được xem là mái ấm, nơi an toàn nhất cho trẻ lúc này nhưng nhiều khi lại chính là nơi khủng bố nhất mà người khủng bố trẻ chính là bố mẹ, theo bác sĩ Nguyễn Phương Thảo.
Phụ huynh thương con nhưng nhiều người không biết cách nắm bắt tâm lý, chia sẻ, hỗ trợ con mà biến trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực. Nhiều người khi trưởng thành gặp vấn đề tâm lý xuất phát từ... bố mẹ.
Một chuyên gia tâm lý TPHCM cho biết, nhiều vấn đề của chúng ta, của con trẻ không phải do Covid-19 trực tiếp gây ra. Nhưng dịch bệnh như chất xúc tác khoét sâu, làm rõ những bất ổn có sẵn, phơi bày trần trụi nhất trong các mối quan hệ, kể cả quan hệ ruột thịt.
"Nhiều phụ huynh mất con từ chính cách giao tiếp của mình với trẻ. Nhiều vấn đề của trẻ nhưng người cần "điều trị" không phải các em mà là chính bố mẹ", ông nhấn mạnh.
Trước thực trạng trẻ chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng chia sẻ, công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ là nội dung quan trọng ngành giáo dục tập trung thực hiện trong năm học này. Trong đó, hoạt động này cần nhất sự kết nối từ bố mẹ, giáo viên và cả chuyên gia tâm lý để hỗ trợ các em.
Theo Dân Trí
Đừng yêu con sai cách
Hành trình làm cha mẹ đi kèm vô vàn sự hy sinh không tên khi bạn sẵn sàng đặt lợi ích, hạnh phúc gia đình lên trên hết. Vì lẽ đó, chúng ta luôn mong nhận lại tình cảm trân trọng từ người thân, đặc biệt là con cái.
" width="175" height="115" alt="Rụng rời khi con trai lớp 5 cầm dao, run rẩy khóc: 'Con ghét bố, ghét em!'" />