- Nghiên cứu, khảo sát về “nhu cầu nhà tuyển dụng – Ngộ nhận của sinh viên”, TS. Trần Thị Tuyết, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ, thuộc ĐHQG Hà Nội cho biết 66% sinh viên tự tin có khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn tốt, tuy nhiên chỉ có 21% nhà tuyển dụng công nhận điều này.Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Việc làm của người học tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội – Cơ hội và thách thức” diễn ra sáng nay, 4/4.
TS. Trần Thị Tuyết cho biết đại đa số các nhà tuyển dụng đều cho rằng vấn đề lớn nhất của sinh viên mới ra trường là sự ngộ nhận, ảo tưởng về khả năng và năng lực của bản thân, về giá trị sức lao động, bằng cấp, kiến thức,… còn xa lạ với thực tế công việc cùng thái độ tiếp cận ít làm hài lòng nhà doanh nghiệp.
|
Các đại biểu dự hội thảo
|
Đa phần sinh viên đều hiểu được nhu cầu của nhà tuyển dụng là kiến thưc chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và khả năng ngoại ngữ. Tuy nhiên qua khảo sát 132 nhà doanh nghiệp thì thấy mức độ hài lòng về chất lượng cử nhân mới ra trường của nhà doanh nghiệp vẫn rất thấp.
Chỉ 30% nhà doanh nghiệp đánh giá tốt về kiến thức chuyên môn, 11% đánh giá tốt vể kỹ năng mềm, 2% đánh giá tốt về kinh nghiệm làm việc.
68% sinh viên ra trường chỉ muốn làm công việc đúng chuyên môn được đào tạo trong trường, trong khi nhà tuyển dụng cho biết, có nhiều vị trí công việc cho cử nhân mới tốt nghiệp, không phân biệt chuyên ngành đào tạo. 25% sinh viên cho rằng họ sẵn sàng làm việc gì cũng được, chỉ cần thị trường có nhu cầu và họ thấy phù hợp.
Trong bản tham luận về “Chất lượng người học dưới góc nhìn của người sử dụng lao động” của TS Sái Công Hồng, cán bộ Trung tâm nghiên Khảo thí – Viện Bảo đảm chất lượng giáo dục lại khẳng định gần 50% sinh viên được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp vẫn chưa có công việc ổn định và vị trí đáng mơ ước. Đó là chưa kể số lượng sinh viên thất nghiệp hoặc không xin được việc làm ngay sau khi ra trường.
Tuy nhiên, qua khảo sát trên 237 tổ chức trên địa bàn Hà Nội về sự hài lòng đối với phẩm chất cá nhân của sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN qua tiêu chí tính kỷ luật, tính độc lập, ham học hỏi, tính sáng tạo, biết điểm mạnh điểm yếu của bản thân,…. thì kết quả thu được khá cao – trên 75%.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội khẳng định rằng sinh viên ra trường không xin được việc ngay một phần đào tạo lý thuyết nhưng kém khâu thực hành, kỹ năng giảng dạy chưa thực hiệu quả. Riêng đối với bản thân nhiều sinh viên thiếu ước mơ, lý tưởng, học trên lớp còn thụ động.
Theo quy chế thực hiện 3 công khai mà Bộ Giáo dục – Đào tạo triển khai từ năm 2009, các trường ĐH, CĐ phải công bố trước xã hội về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm.
Giữa tháng 10/2014 Bộ cũng có công văn yêu cầu các trường thực hiện công khai năm học 2014 – 2015, đăc biệt công khai chất lượng giáo dục thực tế về tỷ lệ sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp năm 2013 có việc làm.
Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, còn khá nhiều các trường ĐH, kể cả các trường thuộc nhóm đầu vẫn bỏ trống việc công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm.
"> Sinh viên mới tốt nghiệp còn ngộ nhận về bản thân