Không ít lần, Chung phải đi xử lý vì chồng đi vệ sinh không xả, để người khác đi rồi xả luôn. Nếu cô không ra tay, có khi anh để cả ngày, cuối ngày xả một lần.
Đến giờ, Đạo vẫn dụ con phải tắm trong chậu, không được dùng vòi hoa sen. Anh lý giải ngồi trong nước thư giãn, tắm mới sạch nhưng thật ra để anh giữ lại nước để lau sàn, tưới cây, dội bồn cầu. Kể cả Đạo, khi tắm vòi, anh vẫn giữ thói quen đứng trong chậu lớn hứng nước để dùng lại.
Nước đã vậy, tiền điện anh càng tằn tiện hơn. Khi nhận căn hộ, nhà đã lắp sẵn các đèn led tiết kiệm điện, Đạo gỡ ra một nửa số bóng, nói sáng nhiều không tốt.
Đêm khuya, khi vợ con ngủ say là anh thức dậy để tắt điều hòa. Còn khi ngủ một mình, đến quạt Đạo còn không dám bật, mặc cho mồ hôi nhễ nhại, miệng vẫn kêu: Có nóng gì đâu!
Chuyện ăn uống cũng vậy, Đạo cứ tự đày đọa thân mình. Vợ nấu bao nhiêu món ngon, anh vẫn chỉ ăn dưa cà với mắm với ít canh rau, gắp miếng gì ngon, anh cũng đẩy ra rồi nổi khùng "ta không thích ăn" như một cụ ông cắm cảu, khó chiều.
Khổ nhất là chuyện ăn mặc, đi làm anh cũng tuềnh toàng, sơ sài. Đồ ở nhà, đến cái quần chíp rách bươm, cũ nát chỉ còn lại mỗi đường chun anh vẫn mặc.
Vợ con sắm sanh, chưng diện bao nhiêu anh không ý kiến nhưng chỉ cần Chung mua cho anh cái quần, đôi vớ mới thôi là vợ chồng có chuyện. Anh càm ràm, nhăn nhó, khó chịu... Có khi anh bắt vợ cầm đi trả, không thì treo trong tủ, hiếm khi anh chịu mặc đến.
Nhìn vợ chồng Đạo ngoài đời hay cả khi lên hình là nhiều người phải phì cười vì như tiểu thư đứng bên anh thợ hồ. Nhiều người không biết còn xì xầm như thể Chung là thứ đàn bà "hút máu" chồng.
Mỗi chuyện ăn, chuyện mặc, sinh hoạt trong nhà mà vợ chồng suốt ngày xung đột, Chung ức chế vô cùng, nhiều lần cô gào lên: "Anh bủn xỉn nó cũng vừa vừa thôi! Sao phải khổ vậy anh?".
Có điều, Đạo lại bủn xỉn với bản thân và trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại làm được rất nhiều việc không chỉ cho gia đình mà cho người thân.
Lúc 26 tuổi, vừa ra trường mấy năm, anh đã mua được nhà ở Sài Gòn. Bây giờ, vợ chồng cô có thêm một lô đất, 1 căn chung cư, thu nhập đều cao, không thiếu thốn gì.
Đạo ủng hộ vợ bỏ hàng triệu đồng mua sách cho con, đăng ký cho con khóa tiếng Anh hàng chục triệu đồng. Anh cũng thoải mái để vợ chọn cho hai con học ở ngôi trường tốt học phí hàng trăm triệu đồng, hàng năm đi du lịch cả trong và ngoài nước...
Chưa kể, Đạo còn đóng học phí cho đứa cháu con chị gái Chung đang học đại học 3 năm qua. Cô em gái ruột của Đạo ở quê khó khăn, nhiều năm nay mỗi tháng anh đều gửi 1,5 triệu đồng để vợ chồng nuôi con ăn học.
Nhìn cái điện thoại của Đạo mà thảm thương. Điện thoại đời cũ, màn hình nát bươm, anh không dám đổi điện thoại mới đã đành, đến thay cái màn hình vài trăm anh cũng xót. Vậy mà, anh chi cả chục triệu mua điện thoại cho bố mẹ ở quê dùng.
Đạo không bao giờ dám hưởng thụ, đối xử tệ bạc với bản thân, nai lưng ra kiếm tiền vì muốn làm được nhiều thứ cho người này, người kia.
Biết chồng có nhiều điểm tốt, nhưng Chung vẫn rất ngột ngạt, khó thở vì anh quá keo kiệt với bản thân. Chung đã làm mọi cách nhưng bất lực, không tài nào cải tạo được chồng.
Vợ con đủ đầy mà vui không nổi. Gia đình toàn lục đục vì chuyện anh không dám ăn, dám mặc.
Như sáng nay cuối tuần, Chung đi chợ, hỏi chồng muốn ăn sáng món gì. Anh đáp: "Mua anh ổ bánh mì không là được". Dung vừa dắt xe ra, đã nghe tiếng chồng: "À, mà thôi, nhà còn chút cơm nguội để anh ăn cho hết". Quanh năm, anh ăn sáng với cơm nguội chan xì dầu, đến đồ ăn thừa anh cũng chỉ dám ăn dè.
Xách mấy phần phở gà cho mẹ con, nghĩ đến chồng Chung lại nghèn nghẹn, nuốt khó trôi. Nhưng nếu cô mua phần anh, về vợ chồng lại có chuyện, có khi anh nhịn luôn cả cơm nguội.
Cô chỉ ước, giá như chồng mình "chịu sướng" một chút cho vợ con đỡ day dứt.
Theo Dân trí
Chồng tôi không muốn sinh con thứ hai
Khi con tôi 3 tuổi, tôi nói với chồng sinh thêm con thứ 2, anh ậm ờ không trả lời thẳng mà tìm cách lảng tránh.
">