- Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi năm 2018 môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT Bắc Giang không chỉ làm cộng đồng mạng sôi nổi, mà cũng gợi những suy nghĩ khác nhau trong giáo viên.
Ngay sau khi đề thi được giới thiệu rộng rãi, dòng tranh luận đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mỗi người tiếp nhận đưa ra một hình dung về thông điệp khác nhau của bức hình.
Các kiến phản đối cho rằng, đề thi có tính “cách tân” này thực ra là sự lạm dụng "kênh hình ảnh" không cần thiết. Có người so sánh đề thi như trò chơi "đuổi hình bắt chữ".
|
Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn tỉnh Bắc Giang |
"Tôi ủng hộ"
“Tôi hoàn toàn ủng hộ kiểu ra đề này” - thầy Trịnh Tuấn, giáo viên Ngữ văn của một trường THPT ở tỉnh Nam Định bày tỏ.
“Đề thi có sự khác biệt, không chỉ là văn bản ngôn từ mà có thêm hình ảnh. Trong cuộc sống, việc đọc hiểu rất đa dạng, đa phương thức như sơ đồ, bảng biểu…Xu hướng ra đề thi đa dạng, ra đề bằng hình ảnh không hề xa lạ trong đề khảo sát năng lực đọc hiểu PISA. Gần đây, cũng rất hiện trong các đề học sinh giỏi của TP.HCM và Đà Nẵng. Đề Đọc hiểu và nghị luận xã hội từ một hình ảnh biểu tượng - thậm chí là từ một bức tranh châm biếm - cũng xuất hiện trong đề thi ĐH của Trung Quốc”.
Theo thầy Tuấn, người học có thể đọc thông điệp theo nhiều hướng khác nhau mà đáp án không hề khuôn mẫu hay áp đặt hệ thống ý có trước, miễn là luận giải theo hướng tích cực phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Ở đây, không chỉ đánh giá năng lực đọc hiểu mà còn là năng lực làm văn của người học, nên tùy đối tượng học sinh sẽ có cách phân tích vấn đề khác nhau. Vì thế, hoàn toàn phù hợp để kiểm tra dành cho học sinh giỏi.
Cô Nguyễn H., giáo viên nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi tại TP.HCM cũng cho rằng, đề thi đã vượt ra ngoài khuôn mẫu của giảng dạy, học và thi từ trước tới nay.
"Cá nhân tôi rất thích đề bài này vì cho học tự do sáng tạo mà không gò ép các em theo một khuôn mẫu nào. Đề thi này các em sẽ được quyền thể hiện tư duy và ngôn ngữ riêng của mình để lý giải và thể hiện theo nhiều hướng khác nhau. Tôi nghĩ đề thi đã đạt yêu cầu khi để mỗi học sinh sẽ có cái nhìn và đánh giá khác nhau, sự suy luận và phân tích vấn đề khác nhau”.
Cô bày tỏ thêm:
“Khoan hãy tranh cãi vì đây là đề thi được áp dụng để tuyển học sinh giỏi, cần lựa chọn những cá nhân vượt trội chứ không phải cào bằng. Nhưng tôi chờ đợi một đáp án từ đề thi này vì rõ ràng với đề thi này sẽ không có một đáp án cố định mà có thể chỉ là gợi ý để giáo viên chấm bài. Trong nhiều lúc nếu bài làm của học sinh quá tốt, đáp án sẽ phải “tuân” theo suy nghĩ của các em.
“Tôi thấy mơ hồ”
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), một đề văn hay là đề văn có khả năng gợi ra những suy nghĩ và xúc cảm sâu sắc, hướng học sinh tới các giá trị Chân -Thiện - Mĩ, phát triển tư duy độc lập sáng tạo. Phần lệnh không nhất thiết đưa ra đích đến quá cụ thể khiến suy nghĩ của các em bị giới hạn theo định hướng, nhiều khi khiên cưỡng.
Theo cô Tuyết, câu 1 trong đề gây tranh luận nhiều chiều như thường thấy với mọi hiện tượng trong cuộc sống xã hội.
“Cá nhân tôi thấy kiểu đề yêu cầu bàn luận về những vấn đề đặt ra từ một bức tranh/ ảnh là một hướng có thể đưa tới những suy cảm sâu xa mới mẻ, dù không nên lạm dụng vì văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Tuy nhiên, với bức hình trong đề thi trên, quả thật tôi chưa nhìn thấy vấn đề gì ngoài sự áp đặt khiên cưỡng khơi gợi một loạt suy diễn phi lý".
Theo cô Tuyết, một đề văn mở là đề khuyến khích tư duy đa chiều từ cùng một vấn đề, nhưng tuyệt đối không phải đề dung nạp tư duy hay suy diễn loạn chiều với một bức hình không có khả năng biểu đạt một vấn đề một cách mạch lạc, rõ ràng.
“Môn văn nói chung và bài thi chọn học sinh giỏi nói riêng đều hướng tới những tiêu chí nhân văn, trí tuệ và thẩm mĩ, những tiêu chí ấy không xuất hiện trong sự khiên cưỡng áp đặt, cô Tuyết nói.
Cô Kim Ngân, một giáo viên dạy văn ở TP.HCM cho biết: Đây là đề thi không lạ vì dạng đề thi sử dụng hình ảnh này đã được ra rất nhiều tại TP.HCM. Tuy hình ảnh này chưa được đề cập trong bài học nào, một tiết dạy nào của văn học, nhưng có thể các em đã bắt gặp hình ảnh này trong đời sống.
Đây là dạng đề “cực mở”, vượt ra ngoài khuôn mẫu đề thi từ trước tới nay. Ngoài chất liệu là một hình ảnh chiếc thuyền và bóng đèn, yêu cầu học sinh viết bài nghị luận xã hội trình bày quan điểm cá nhân về vấn đề gợi ý từ bức ảnh trên là quá “mênh mông” cho học sinh.
“Tôi không dám chắc tất cả học sinh đều hiểu được hình ảnh này, bản thân giáo viên chúng tôi cũng khá mơ hồ. Thoát khỏi "văn mẫu" và sáng tạo trong văn học là một xu hướng mà các trường học hiện nay đang hướng tới. Nhưng khi việc học và dạy chưa được cởi trói thực sự thì việc quá "mở" ở phần kết quả (thi cử), trong khi không cung cấp đầy đủ thông tin thì sự "sáng tạo quá đà" lại trở thành đánh đố học sinh. Bản thân tôi khi thấy đề thi này cũng “sốc phản vệ”. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây chỉ đề thi nội bộ để chọn học sinh giỏi cho tỉnh. Vì vậy, không nên bàn luận quá nhiều.
Môn văn cần sự khơi gợi
Trao đổi với VietNamNet, một tiến sĩ văn học hiện là giảng viên sư phạm thận trọng: “Vì photocopy nên dữ liệu gốc bị tẩy sạch, rất khó cho học sinh và cả những người có chuyên môn bàn luận. Về nguyên tắc, khi bàn về một tác phẩm hội họa hay nhiếp ảnh, người ta phải được xem bản gốc. Ý tưởng trong tranh hay ảnh chụp không phải như trong văn chương, nó toát ra từ bố cục, đường nét, màu sắc".
Nhiều giáo viên phổ thông khác thì nhìn nhận, trong những năm gần đây, một số địa phương khá tích cực tìm tòi, chủ động đổi mới cách ra đề thi – nhất là đề thi chọn học sinh giỏi. Chẳng hạn một số đề thi môn Ngữ văn ở TP.HCM, vừa có sự thoát khỏi sáo mòn, nhưng vẫn đủ “ngưỡng” để giữ được đặc trưng của môn học. Bởi, dù có thể hiện dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì môn văn cần phải khơi gợi và hướng người học tới giá trị tới cái đẹp – như nghĩa gốc của từ “văn”.
"> Có nên ra đề văn 'đuổi hình bắt chữ'?