Ashok Ferrey sinh ra ở Colombo năm 1957,àvănAshokFerreyTôithíchđọcmộttácphẩmvănchươngkhônghoànhảbdhn lớn lên ở Đông Phi, theo học tại trường tu viện Benedictine ở Worth Abbey, học toán học thuần túy tại Christ Church, Oxford. Sau khi tốt nghiệp, ông sống ở London với tư cách là nhà phát triển xây dựng nhà cao tầng trong những năm nữ Thủ tướng Thatcher nắm quyền, trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết.
Ông là tác giả của 7 cuốn tiểu thuyết, 5 trong số đó được đề cử cho Giải Gratiaen, giải thưởng văn học của Sri Lanka do Michael Ondaatje sáng lập. Tiểu thuyết mới nhất Người đàn ông không thể kết hônđã giành được Giải thưởng Gratiaen năm 2021. Cuốn sách Lời nói không ngừng của những con quỷdo ông sáng tác cũng được đưa vào danh sách đề cử cho Giải thưởng DSC.
Trong không gian ấm cúng đậm chất Việt, các khách mời cùng thảo luận về chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI) và việc sử dụng AI trong sáng tác văn học. Phóng viên VietNamNet đã đặt câu hỏi và lắng nghe ý kiến của nhà văn Ashok Ferrey về vấn đề này.
-Cảm nhận của ông về trí tuệ nhân tạo trong sáng tác văn học?
Tôi thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã biến những tác phẩm văn học trở nên hoàn hảo. Tuy nhiên, tôi lại thích đọc một tác phẩm văn chương không hoàn hảo do một nhà văn tự sáng tác hơn, chính sự không hoàn hảo đó thể hiện bản sắc của con người họ. Trong quá trình làm cho tác phẩm trở nên hoàn hảo, AI đã "là phẳng" đi tất cả những góc cạnh thể hiện cá tính riêng của mỗi nhà văn.
-Trải nghiệm cá nhân của ông như thế nào đối với việc sử dụng AI trong sáng tác?
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo hết sức phổ biến trong sáng tác văn học. Tại Sri Lanka, khi tôi gửi bản thảo cho tòa soạn, họ sẽ đưa nó vào Chat GPT để xử lý. Sau đó, Chat GPT đưa ra những đề xuất để bản thảo tốt hơn và tòa soạn yêu cầu tôi làm theo. Một ví dụ khác là người bạn nhà báo của tôi. Hôm qua, chúng tôi vừa nói chuyện với nhau và cô ấy phàn nàn rằng đã viết một bài rất hay và được đăng lên báo. Sau đó, nhiều người phản hồi và cho rằng chắc cô đã sử dụng AI để viết bài nên mới hay như vậy. Điều ấy khiến cô cảm thấy bất công và phẫn nộ.
-Theo lời ông kể ảnh hưởng của AI đã hết sức sâu rộng trong giới xuất bản. Thời đại công nghệ 4.0 này, có một xu hướng là cái gì cũng phải có nhanh, ngay lập tức, rất ít người giữ được tâm huyết và đắm chìm trong quá trình sáng tác tác phẩm. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Tôi từng học chuyên ngành toán ở đại học, thời ấy chưa có máy tính. Sau đó, tôi được chứng kiến sự thay đổi mang lại bởi máy tính: các nhân viên thu ngân không còn tự tính nhẩm trong đầu nữa mà chỉ cần bấm máy. Dần dần, phần lớn chúng ta đều sử dụng máy tính và không còn giữ thói quen tính nhẩm nữa, điều đó làm cho khả năng tính nhẩm kém đi. Tôi sợ rằng điều tương tự sẽ diễn ra với văn chương. Trong thời đại ngày nay, khoảng thời gian mà một người có thể tập trung vào một công việc là rất ngắn. Vì thế, các sản phẩm ngắn như video Tiktok rất được ưa chuộng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, khi tôi viết tay để sáng tác thì sản phẩm lại chất lượng hơn đánh máy. Tôi sợ rằng sự sản xuất nhanh chóng và hoàn thành trong nháy mắt của AI sẽ khiến con người đánh mất thói quen đào sâu suy nghĩ và sáng tạo.
-Theo ông có cách nào để người viết vừa tận dụng AI vừa giữ được bản sắc riêng trong tác phẩm?
Thật sự tôi thấy rất khó. Ngày xưa, chúng ta cần thợ để may áo, nhưng bây giờ chỉ cần ra hàng là mua được một cái áo may sẵn như tôi đang mặc đây. Và giá của áo may sẵn bao giờ cũng rẻ hơn nhiều giá áo may tay hay may đo riêng. Tôi nghĩ rằng có thể xu hướng thị trường văn học trong tương lai cũng như vậy, có sản phẩm tạo ra bởi AI và có sản phẩm được sáng tác theo cách truyền thống. Tôi cũng tìm cách để dung hòa các yếu tố nhưng vẫn chưa có giải pháp.
-Có thể miêu tả rõ hơn hình dung của ông về bối cảnh ngành xuất bản trong tương lai?
Tôi nghĩ rằng cũng giống như áo may tay hiếm có và đắt tiền, có thể một bộ phận nhỏ các nhà văn sẽ tiếp tục đi theo lối sáng tác truyền thống và cho ra đời những tác phẩm có chất lượng cao hơn. AI rất thông minh nhưng không thể thay thế được cảm xúc mà chỉ con người mới có. Như vậy các tác phẩm được sáng tác theo cách truyền thống sẽ có giá trị cao hơn và các sản phẩm của AI sẽ mang tính đại trà. Tôi hơi bi quan về bối cảnh đó, vì trong nền kinh tế thị trường văn chương truyền thống với giá cao và thời gian sáng tác lâu rất khó cạnh tranh với văn chương AI vừa nhanh vừa rẻ và ai cũng làm được.
-Nhiều ý kiến cho rằng AI đóng góp rất tốt vào sự phát triển của nhân loại, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng vẫn nghĩ rằng một sản phẩm văn học được đào sâu và đầu tư thời gian sẽ tốt hơn. Tôi cũng là một kiến trúc sư, theo kinh nghiệm của mình những nhà xây vội thường dẫn tới xây ẩu, hay bị bỏ qua chi tiết. Nhà xây càng nhanh thì tồn tại càng ngắn, mau xuống cấp. Nhưng nhà xây cẩn thận sẽ đứng vững hơn, sử dụng được nhiều năm hơn.
-Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với các tác giả Việt Nam?
Tôi rất vui vì ngày hôm nay được trò chuyện với các văn nghệ sĩ Việt Nam về một chủ đề quan trọng như vậy. Tôi mong rằng tất cả chúng ta sẽ giữ vững được bản sắc cá nhân trong sáng tác. Xin mời các bạn đến thăm Sri Lanka và tham gia Lễ hội văn học Sri Lanka do tôi tổ chức vào năm sau! Mong rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn để giao lưu văn học giữa hai nước.
Sao Khuê